Châu Âu vẫn sẽ phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ

Cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy Mỹ xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu và mở rộng năng lực sản xuất của các dự án LNG.
Cơ sở xử lý khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại bang Louisiana, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 vừa qua, ứng viên Donald Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế lên hàng hóa từ châu Âu.

Điều này khiến nhiều người ở châu Âu hy vọng ông không quay lại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, khi điều đó trở thành sự thật, các chính sách thuế quan sẽ được đàm phán, và có thể liên quan tới khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Hiện tại, Mỹ đang có mức thâm hụt thương mại 240 tỷ USD với châu Âu. Các nước như Đức, Italy, Ireland và Thụy Điển là những nhà xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ và chiếm phần lớn mức thâm hụt này.

Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU, và dầu khí là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Lục địa già.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông không hài lòng với cán cân thương mại này và khẳng định châu Âu sẽ phải “trả giá đắt” nếu không nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ.

Một bình luận viên của Reuters, Gavin Maguire, cho rằng châu Âu có thể đáp trả bằng cách giảm nhập khẩu LNG từ Mỹ, gây khó khăn cho kế hoạch tăng sản lượng dầu khí của ông Trump.

Tuy nhiên, viễn cảnh này khó có thể xảy ra vì châu Âu hiện vẫn phải phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, và Mỹ lại là nhà cung cấp LNG lớn nhất của họ.

Trong năm 2023, LNG của Mỹ chiếm gần 50% tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu, tăng từ mức 44% của năm 2022 và 27% của năm 2021.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy Mỹ xuất khẩu LNG sang châu Âu và mở rộng năng lực sản xuất của các dự án LNG.

Số liệu cho thấy nhu cầu LNG tại châu Âu tăng chậm lại trong năm nay, phần lớn do mùa Đông bớt lạnh hơn và nhu cầu khí đốt giảm tại Đức khi nền kinh tế nước này đang suy giảm. Tuy nhiên, mùa Đông tới sẽ là thời điểm châu Âu cần đến LNG nhiều hơn, bên cạnh than đá.

Ông Gavin Maguire cho rằng EU đang dần giảm sự phụ thuộc vào khí đốt do giá cao, khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng khó có thể chi trả trong thời gian dài.

Giá cao và kinh tế suy giảm đã làm nhu cầu LNG giảm 20% tại châu Âu trong năm nay. Ông Maguire cũng gợi ý rằng EU có thể xem xét áp thuế lên năng lượng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng điều này khó xảy ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gần đây đã gợi ý rằng châu Âu có thể tăng cường mua LNG từ Mỹ để thay thế cho khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, do giá LNG của Nga rẻ hơn, EU vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung này, dù đang cố gắng thay thế bằng LNG từ Mỹ vì lý do chính trị.

Các nhà xuất khẩu LNG lớn khác lại không có đủ năng lực mở rộng sản xuất hoặc đòi hỏi hợp đồng dài hạn, điều mà EU không mấy mặn mà.

Như vậy, Mỹ và châu Âu dường như vẫn không thể tách rời nhau trong quan hệ về LNG, dù đây không phải là quan hệ ngang bằng. Chính sách thuế quan sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến châu Âu không hài lòng, nhưng khả năng cao sẽ thúc đẩy họ mua thêm LNG từ Mỹ, bất kể giá cả.

Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế châu Âu và khả năng mua LNG dài hạn của họ. Đây cũng có thể là trở ngại cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục