Tình trạng nhập cư trái phép và buôn người đang trở thành vấn nạn và thách thức xuyên biên giới không chỉ tại châu Âu mà còn tại khu vực Đông Nam Á.
Kể từ đầu năm đến nay đã có 1.800 người thiệt mạng khi cố gắng vượt biển Địa Trung Hải. Khoảng 51.000 người đã cập bến châu Âu bằng đường biển, trong đó 30.500 người đi qua Italy, quốc gia có vị trí gần châu Phi nhất.
Riêng trong năm 2014 đã có 360.000 đơn xin tị nạn tại châu Âu, nhưng chỉ một nửa trong số đó (185.000 người) được sáu quốc gia tiếp nhận gồm Đức, Thụy Điển, Pháp, Italy, Vương quốc Anh và Hà Lan.
Trước cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng này, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch phân bổ hạn ngạnh nhập cư cho các nước thành viên căn cứ theo GDP, dân số và tình trạng thất nghiệp của nước này.
EC còn nêu ra các giải pháp trong tương lai theo các khía cạnh nhân đạo và tăng cường kiểm soát biên giới, nhưng đồng thời mở cửa cho lao động có tay nghề. Theo đó, Đức, Pháp và Anh sẽ là những quốc gia tiếp nhận số lượng người nhập cư nhiều nhất.
Bên cạnh đó, châu Âu sẽ tiến hành một chương trình giám sát hải quân chung nhằm ngăn chặn các tàu thuyền chở người nhập cư trái phép ngay từ vùng biển Libya (Li-bi), nhưng không can thiệp quân sự vào nước này.
Ngoài ra, EU sẽ tìm hiểu cách hoạt động của mạng lưới chuyên chở người nhập cư để tìm cách phá hủy tài sản, tàu bè của chúng và đưa những người chịu trách nhiệm ra xét xử.
Tuy nhiên, bản thân nhiều nước châu Âu lại đang mâu thuẫn về kế hoạch phân bổ hạn ngạch nhập cư vì điều này sẽ “động chạm” tới quyền lợi quốc gia. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã lên tiếng phản đối kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn kể trên.
Theo ông Valls, tị nạn là quyền được quy định theo tiêu chuẩn quốc tế và không thể áp đặt hạn ngạch số người được chấp nhận, vì còn phụ thuộc vào việc người nhập cư có xin tị nạn hay không.
Thủ tướng Pháp nhấn mạnh việc tiếp nhận người nhập cư phải được phân chia công bằng hơn giữa các quốc gia thành viên, đồng thời kêu gọi EU cần tăng cường hệ thống kiểm soát biên giới để ngăn chặn nạn nhập cư trái phép ngày càng trầm trọng hiện nay.
Vương quốc Anh và Hungary cũng phản đối đề xuất này. Nước Anh tuyên bố sẽ không tham gia vào hệ thống tiếp nhận bắt buộc.
Tờ TIME (Thời báo) cho rằng kế hoạch này nếu được thực hiện đồng nghĩa với việc số người nhập cư vào nước Anh mỗi năm có thể tăng gấp đôi, từ mức 30.000 người/năm hiện nay lên hơn 60.000/năm, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cũng như các phúc lợi xã hội của nước này.
Bộ Nội vụ Anh đã ngay lập tức phản ứng, cho rằng kế hoạch này là "không thể chấp nhận được" và sẽ "phản đối quyết liệt".
Vấn nạn người nhập cư lậu giờ không chỉ là bài toán “đau đầu” của riêng giới lãnh đạo châu Âu.
Thách thức lớn đang đặt ra khi làn sóng di cư trái phép vào một số nước Đông Nam Á ngày càng tăng, trong đó chủ yếu là cộng đồng người thiểu số Rohingya ở Myanmar và Bangladesh, tìm cách vượt biển tới các “miền đất hứa” như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Thực trạng này còn kéo theo những tranh cãi xoay quanh việc giới chức các nước liên quan chỉ cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người di cư và từ chối tiếp nhận người nhập cư.
Theo giới phân tích, khủng hoảng nhập cư khi không được kiểm soát có thể biến thành một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” tồi tệ, nếu các nước có liên quan không đồng lòng và chung tay tìm một giải pháp lâu dài cho vấn nạn này./.