Trong bối cảnh dịch Ebola đang diễn biến phức tạp tại Tây Phi và có nguy cơ lây lan sang các khu vực khác trên thế giới, chính phủ nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á đã xúc tiến chuẩn bị các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong ngày 30/7, Ủy ban khẩn cấp của Chính phủ Anh đã có cuộc họp về các nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola gây ra.
Giới chức Anh khẳng định các cơ quan hữu quan có đủ chuyên môn và nguồn lực để đối phó với virus Ebola trong trường hợp Xứ sở Sương mù bị virus chết người này tấn công.
Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt khẳng định Anh có các bác sỹ giàu kinh nghiệm "để xử trí bất cứ dịch bệnh nào."
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng cộng đồng quốc tế cần tiếp tục cung cấp nguồn lực bổ sung để xử lý dịch tại các khu vực bị ảnh hưởng dịch nặng nhất do virus Ebola.
Hồi tuần trước, Bộ Phát triển Quốc tế của Anh đã thông báo viện trợ lập tức 2 triệu bảng Anh (khoảng 3,6 triệu USD) cho các đối tác, trong đó có Liên đoàn Quốc tế Chữ thập Đỏ (IFRC) và Tổ chức Bác sỹ Không Biên giới (MSF) đang hoạt động tại Sierra Leone và Liberia.
Cũng trong ngày 30/7, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ phân bổ thêm 2 triệu euro (tương đương 2,6 triệu USD) giúp khống chế dịch. Ủy viên EC phụ trách viện trợ nhân đạo Kristalina Georgieva cho biết mức độ nhiễm bệnh tại thực địa là cực kỳ đáng lo ngại và cần có thêm các hành động ứng phó để cứu người.
Theo EC, khoản viện trợ nói trên sẽ được chuyển tới 3 tổ chức là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), MSF cùng Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế để hỗ trợ cô lập và ngăn chặn dịch bệnh, thúc đẩy công tác phòng bệnh.
Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 30/7 đã công bố các biện pháp cách ly những trường hợp nghi nhiễm virus Ebola, đồng thời cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cùng ngày cũng đã tổ chức một cuộc họp với giới chức y tế quốc tế, để thảo luận các biện pháp phát hiện và kiểm soát chặt chẽ những người ra vào các sân bay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi bùng phát hồi tháng Hai vừa qua tại Tây Phi, virus Ebola đã khiến gần 700 người tử vong, hơn 1.200 người nhiễm bệnh, tập trung ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Khoảng 100 nhân viên y tế đang làm việc tại Tây Phi cũng bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 50% trường hợp đã tử vong, trong đó có một bác sỹ hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và điều trị bệnh dịch này. Số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại khu vực này do các điều kiện chăm sóc y tế yếu kém.
Riêng tại Liberia, số ca tử vong vì Ebola đã lên tới 129 người trên tổng số 249 ca nhiễm. Để hạn chế số người nhiễm bệnh, chính phủ Liberia đã cho đóng cửa tất cả các trường học trên toàn quốc, đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước tạm thời cắt giảm nhân sự đến mức tối thiểu. Trong 1/8, công tác tẩy trùng sẽ được chính phủ nước này thực hiện trên toàn quốc.
Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, được đặt tên theo một con sông nhỏ ở CHDC Congo, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao.
Người bệnh có các triệu chứng như sốt, đau mỏi cơ, nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết không ngừng, và có thể tử vong chỉ vài ngày sau khi nhiễm virus.
Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắcxin phòng ngừa virus Ebola. Bệnh nhân có thể nhiễm virus này qua tiếp xúc với máu, dịch thể và chất bài tiết của người hoặc động vật nhiễm bệnh, hoặc thông qua quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh./.