Nhiều nước châu Âu tiếp tục thể hiện sự phản đối mạnh mẽ sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa quyết định áp mức thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ 3 đồng minh lớn là Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.
Trong tuyên bố ngày 1/6, Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ "thất vọng sâu sắc" trước quyết định áp biểu thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu từ EU.
Bà nhấn mạnh Mỹ, EU và Anh là những đồng minh thân cận và luôn thúc đẩy những giá trị thương mại công bằng và cởi mở trên toàn thế giới.
Nhà lãnh đạo này lập luận ngành công nghiệp nhôm, thép đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Anh, song cũng đóng góp cho ngành công nghiệp Mỹ, bao gồm trong các dự án quốc phòng nhằm thúc đẩy an ninh quốc gia Mỹ.
Do đó, bà cho rằng EU và Anh phải được hưởng miễn trừ vĩnh viễn các loại thuế, đồng thời khẳng định hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để bảo vệ công nhân và các ngành công nghiệp của mình.
Cùng ngày, giới chức Na Uy cũng bày tỏ quan ngại về những biện pháp mang tính bảo hộ đang ngày càng gia tăng từ Mỹ sau khi quyết định áp biểu thuế mới đối với các mặt hàng kim loại nhập khẩu của Washington.
Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide lo ngại Mỹ đang thúc đẩy các biện pháp theo xu hướng bảo hộ trong chính sách thương mại
[Canada khiếu nại Mỹ tại WTO để đáp trả việc Mỹ áp mức thuế mới]
Bà cảnh báo việc lấy lý do an ninh quốc gia để ban hành biểu thuế mới không những khiến uy tín của Mỹ sụt giảm, mà còn làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên những nguyên tắc, luật lệ.
Cùng chung tiếng nói phản đối, Phòng Thương mại Mỹ-Slovenia (AmCham Slovenia) cùng ngày cũng chỉ trích quyết định áp thuế mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ là một mối đe dọa đối với việc làm của Slovenia và hệ thống thương mại toàn cầu.
Theo AmCham Slovenia, động thái đơn phương trên của Mỹ sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ lâu năm giữa những đồng minh thân cận nhất, cũng như châm ngòi cho hàng loạt các biện pháp trả đũa từ EU.
Trước kế hoạch đáp trả của EU được Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom công bố trước đó, AmCham Slovenia cũng bày tỏ lo ngại hậu quả của việc áp các loại thuế đối với dòng chảy thương mại xuyên Đại Tây Dương, cũng như những tác động tiêu cực đối với việc làm, đầu tư và an ninh.
Cơ quan này khẳng định EU đáp ứng tất cả tiêu chuẩn để được hưởng miễn trừ vĩnh viễn bởi ngành nhôm, thép của khối này không đe dọa nền an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi đó, việc Mỹ từ chối gia hạn miễn thuế cho thép, nhôm của EU tiếp tục vấp phải chỉ trích tại Đức.
Chuyên gia thương mại Gabriel Felbermayer thuộc Viện Ifo ở Munich cho rằng Washington đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi bản thân tổ chức có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, này cũng bảo vệ các lợi ích của Mỹ.
Chuyên gia này cảnh báo bước đi mới nhất của Washington có thể báo hiệu một "cuộc chiến tranh lạnh" đang cận kề trong mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Mỹ.
Ông khuyến cáo EU cần duy trì một mặt trận thống nhất cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế chống lại những biện pháp hạn chế thương mại từ Mỹ.
Hôm 31/5 vừa qua, Mỹ tuyên bố chính thức áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu, nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sau hai tháng tạm miễn.
Đến nay, Mỹ đã công bố miễn vĩnh viễn áp mức thuế mới cho các nước Australia, Argentina, Brazil và Hàn Quốc, nhưng mỗi trường hợp đều kèm theo hạn ngạch nhập khẩu.
Quyết định mới của Washington đưa ra đã ngay lập tức vấp phải cảnh báo đáp trả từ các đối tác liên quan.
Giới chuyên gia lo ngại động thái của Washington sẽ đẩy cao nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các quốc gia đối tác./.