Châu Âu siết chặt kiểm soát tin giả tràn lan về bầu cử

Trước tình trạng tin giả về bầu cử châu Âu tràn lan trên mạng thời gian qua, EC cho rằng cần thiết phải bổ sung các biện pháp cả về phía các quốc gia thành viên lẫn phía các mạng xã hội.
Châu Âu siết chặt kiểm soát tin giả tràn lan về bầu cử ảnh 1(Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Trước tình trạng tin giả về bầu cử châu Âu tràn lan trên mạng thời gian qua, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng cần thiết phải bổ sung các biện pháp cả về phía các quốc gia thành viên lẫn phía các mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter.

EC đang xem xét việc nghiêm trị các công ty hoạt động trên nền tảng Internet như Google, Twitter và Facebook sau chiến dịch tin giả và mưu toan can thiệp vào cuộc bầu cử châu Âu 2019 vừa qua.

Cao ủy châu Âu về An ninh, Julian King đã tuyên bố với nhật báo Đức, Die Welt: “Tình hình hiện nay cho thấy các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là các công ty Facebook, Google và Twitter cần phải bổ sung các biện pháp cần thiết để loại bỏ tình trạng tin giả như hiện nay.”

Cho tới nay, EC đang để cho các công ty trên tự giác đề ra các biện pháp loại bỏ tin giả. Tuy nhiên, hiện EC muốn xem xét liệu có cần phải chuyển sang các biện pháp quản lý hay không.

[Bầu cử nghị viện châu Âu với cuộc chiến chống nạn tin giả]

Chủ đề tin giả trên Internet sẽ là chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức vào ngày 20-21/6 tới.

Năm ngoái, EC đã đưa ra một “quy tắc ứng xử” với các mạng xã hội và các công ty hoạt động dịch vụ trên nền tảng Internet về các quảng cáo bầu cử trực tuyến.

Tháng Ba vừa qua, Facebook cũng như Google đã thực hiện các biện pháp mới về minh bạch các hồ sơ có thể tham khảo được về các quảng cáo chính trị được đưa lên mạng và các nghĩa vụ của những người đăng các quảng cáo này phải thực hiện một tiến trình xác minh danh tính.

Tuy nhiên, theo Cao ủy châu Âu về An ninh, Julian King, tất cả những việc này chưa đủ để ngăn chặn tình trạng tin giả diễn ra tại cuộc bầu cử châu Âu vào cuối tháng Năm vừa qua.

Đặc biệt, qua báo cáo mới công bố của Viện Đối thoại Chiến lược (ISD), ông Julian King đã rất lo ngại việc có những tác nhân mới trên mạng đã lợi dụng tình trạng thiếu khuôn khổ luật pháp trên Internet để mưu toan can thiệp vào các cuộc bầu cử./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục