Bộ trưởng Nghề cá các nước Liên minh châu Âu (EU) đang nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về quota đánh bắt cá biển trong năm 2014.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ siết chặt hơn quota đánh bắt cho phép nhằm bảo vệ nguồn dự trữ cá đại dương.
Việc thảo luận diễn ra khá căng thẳng có thể kéo dài đến ngày 19/12. Vấn đề mà EU coi trọng là làm sao tạo cân bằng cho nguồn dự trữ mà vẫn đảm bảo nguồn cung cho cộng đồng đánh bắt.
Nhằm bảo toàn nguồn cá, kể từ năm 2015, EC đưa ra các chính sách mới theo đó giảm lần lượt 33% và 75% việc đánh bắt cá cabiô và cá tuyết chấm đen tại Đại Tây Dương và biển Bắc.
EC cũng kêu gọi giảm lượng đánh bắt cá bơn từ 37% lên 45% tại biển Ireland. Điều này khiến Bộ trưởng Nghề cá của Pháp và Tây Ban Nha lao vào "cuộc chiến cá bơn" nhằm bảo vệ quyền lợi của người đánh bắt.
Theo Ủy viên EU phụ trách nghề cá, Maria Damanaki, việc giảm quota đánh bắt nhằm bảo về nguồn cá cabiô tại biển Ireland và Kattegat (nằm giữa Đan Mạch và Thụy Điển). Trong khi đó, cá bơn xuất hiện ở mực nước thấp tại biển Ireland và nguồn cá này đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.
Đối với khoảng 30 nguồn dự trữ cá mà các nhà khoa học không có nhiều dữ liệu, EC yêu cầu phải có sự thay đổi quota trên dưới 20% so với năm trước.
Còn đối với các nguồn khác, EU yêu cầu đảm bảo sự quản lý lâu bền với thời hạn mà các nước có thế mạnh về nghề cá như Pháp, Tây Ban Nha không muốn chấp nhận.
Chính sách mới của EU về đánh bắt được thay đổi vào mùa Xuân năm sau nhằm đảm bảo tốt hơn sự phát triển của nguồn cá và chống lại sự đánh bắt thái quá./.