Ngày 17/7, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên tiếng chỉ trích cách Mỹ sử dụng các lệnh trừng phạt kinh tế. Động thái này được đưa ra sau khi Washington đe dọa áp đặt trừng phạt nhằm vào các công ty tham gia dự án đường dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Trong thông báo, ông Borrell cũng đề cập tới các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, Cuba và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đồng thời bày tỏ phản đối chính sách của Mỹ nhằm vào các công ty và cá nhân trên thế giới.
Ông Borrell nói: "Tôi thực sự quan ngại về việc gia tăng sử dụng các lệnh trừng phạt hay đe dọa trừng phạt mà Mỹ nhằm vào các lợi ích và công ty của châu Âu. Nơi mà các mục tiêu chính sách an ninh và đối ngoại được chia sẻ chính là nơi cần phối hợp với các đối tác trong việc sử dụng lệnh trừng phạt. Khi các bất đồng về chính sách xảy ra, EU luôn sẵn sàng đối thoại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ có thể tùy ý đưa ra các lời đe dọa về trừng phạt".
Cùng ngày, Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đe dọa áp đặt trừng phạt nhằm vào các công ty tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, cho rằng điều này sẽ gây căng thẳng cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tổng Giám đốc BDI Joachim Lang cho rằng hành động đe dọa của Washington sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro đầu tư và an ninh pháp lý cho khoảng 120 công ty lớn nhỏ ở 12 quốc gia khác nhau. Ngoài ra, giá nhiên liệu ở châu Âu có thể sẽ tăng do động thái này của Mỹ. Theo ông Lang, việc Mỹ đe dọa trừng phạt là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Do đó, EU phải cùng với các quốc gia liên quan sớm có những phản ứng ngoại giao cụ thể và rõ ràng.
Trong tuyên bố liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Kinh tế Đông Âu của Đức Oliver Hermes cho rằng việc Mỹ đe dọa trừng phạt cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang xấu đi với tốc độ "đáng kinh ngạc".
Theo ông Hermes, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, Ủy ban châu Âu (EC) cũng cần nhanh chóng đưa ra danh mục các biện pháp cứng rắn đáp trả./.