Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho rằng những cam kết cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình mới đưa ra chỉ đơn giản là nhắc lại những phát biểu trước đó, và cho rằng Bắc Kinh cần có hành động và thời gian biểu cụ thể cho tiến trình mở cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trong một tuyên bố ra ngày 6/11, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho rằng đa số cam kết mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra không hoàn toàn mới. Việc Bắc Kinh không đưa ra những biện pháp hoặc ấn định khung thời gian cụ thể cho những thay đổi này khiến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu “ngày càng vô cảm với những kiểu cam kết này."
Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, các doanh nghiệp tại châu lục này đã không còn “mặn mà” với các khu vực mậu dịch tự do mà Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết mở rộng, gọi đây là “phương pháp tiếp cận rụt rè với cải cách, vốn không phù hợp với quy mô và tỷ trọng của nền kinh tế Trung Quốc."
Cơ quan thương mại này đề xuất Trung Quốc nên tập trung mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu rộng vào những lĩnh vực mới của nền kinh kế nước này, chứ không chỉ chú trọng vào những chương trình cải cách “thí điểm” ở những lĩnh vực “được rào kín."
Tuy nhiên, cơ quan đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình mở cửa các lĩnh vực giáo dục và y tế, cũng như mục tiêu đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc.
[Vì sao mâu thuẫn giữa Trung Quốc với EU dần tăng nhiệt?]
Trước đó ngày 5/11, phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) lần thứ nhất tại thành phố Thượng Hải, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết giảm thuế, mở cửa thị trường và tăng kim ngạch nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết đẩy nhanh việc mở cửa nhiều lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa, giáo dục, viễn thông…, đồng thời tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Hội chợ trên được tổ chức nhằm bày tỏ thiện chí trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ. Đến nay, Mỹ đã áp đặt các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các gói thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 110 tỷ USD.
Washington đe dọa sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt thuế nếu Bắc Kinh không đáp ứng những yêu cầu mà Mỹ đưa ra nhằm thay đổi các chính sách thương mại, trợ giá công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Lâu nay, giới doanh nghiệp nước ngoài thường phàn nàn về các chính sách của chính quyền trung ương Bắc Kinh mà họ cho rằng quá ưu ái các hãng trong nước, tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng.
Trong báo cáo thường niên công bố trung tuần tháng Chín vừa qua, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết các công ty nước ngoài không thể cạnh tranh bình đẳng tại Trung Quốc do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị kẹt trong thế "thâm hụt cải cách."
Theo cơ quan này, trái với mức thặng dư thương mại khổng lồ mà Trung Quốc đã đạt được trong nhiều năm qua, các cam kết từ phía Bắc Kinh hướng tới năm bản lề về cải cách và tự do hóa đang diễn tiến quá chậm chạp. Báo cáo dài 394 trang mô tả những vấn đề mà doanh nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt tại Trung Quốc và đại diện cho ý kiến của khoảng 1.600 doanh nghiệp châu Âu.
Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết họ nhận được lời khẳng định rõ ràng từ các công ty thành viên về việc không được cạnh tranh công bằng tại Trung Quốc. Các công ty châu Âu phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, bao gồm đặc quyền mà các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc được nhận, rào cản tiếp cận thị trường và tình trạng quan liêu trong cơ quan chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và áp lực buộc phải chuyển giao công nghệ.
Trước đó, Bắc Kinh đã cam kết năm 2018 sẽ là năm bản lề để thực thi các cải cách hơn nữa, nhân kỷ niệm 40 năm nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình triển khai cải cách và chính sách mở cửa nền kinh tế./.