Châu Âu lập 1 hệ thống phát hiện thiên thạch chung

Cơ quan vũ trụ châu Âu đã bắt đầu thiết lập hệ thống phát hiện thiên thạch chung tại châu Âu, sau vụ nổ thiên thạch hồi tuần trước.
Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 21/2 thông báo đã bắt đầu thiết lập hệ thống phát hiện thiên thạch chung tại châu Âu, sau khi tại Nga xảy ra một vụ nổ thiên thạch gây ra đám mưa thiên thạch tại nhiều tỉnh, khiến hơn 1.200 người bị thương hồi tuần trước.

Dự kiến, ngày 22/5 tới, tại Rome, ESA sẽ mở một trung tâm phối hợp có nhiệm vụ thu thập thông tin của tất cả các đài thiên văn trên toàn châu Âu. Tại đây, các nhà khoa học sẽ theo dõi các thiên thạch nhỏ, được xem là mối hiểm họa tiềm tàng đối với Trái Đất.

Ngoài ra, ESA cũng đã thiết kế phiên bản chiếc kính thiên văn mới dựa trên nguyên tắc cấu tạo mắt của loài côn trùng. Với đường kính 1m và góc nhìn lớn, chiếc kính này cho phép quan sát rõ bầu trời một cách thường xuyên. Dự kiến, trong tương lai, ESA sẽ đưa vào hoạt động sáu chiếc kính thiên văn loại này với cơ chế hoạt động tự động.

[Nga đề xuất chương trình đối phó nguy cơ từ vũ trụ]

Theo chuyên gia của ESA phụ trách theo dõi tình hình vũ trụ từ năm 2008, ông Nicolas Bobrinsky, hiện nay giới khoa học mới chỉ định vị được quỹ đạo chuyển động của những vật thể lớn nhất trong vũ trụ. Gần 99% các tiểu hành tinh có đường kính 1km đã được xác định. Trong khi đó, những thiên thạch nhỏ lại là mối đe dọa lớn đối với Trái Đất, bởi khi va chạm, chúng tạo ra sức tàn phá khủng khiếp.

Trong hệ Mặt Trời, có gần một triệu tiểu hành tinh với đường kính 50m hoặc lớn hơn đang được theo dõi, và ít nhất 10.000 tiểu hành tinh trong số đó có thể cắt quỹ đạo của Trái Đất. Giới khoa học cũng cho biết phần lớn các vật thể trong vũ trụ có khả năng va chạm với Trái Đất, vẫn chưa được định vị.

Đại diện của ESA cho biết nhiệm vụ đặt ra là làm sao xác định được những vật thể có đường kính hơn 50m ít nhất ba tháng trước khi chúng tiến gần đến Trái Đất, bởi đây là thời gian cần thiết tối thiểu để các nhà khoa học và chính quyền có thể phản ứng đối với những nguy cơ từ vũ trụ.

Trước đó, ngày 18/2, Mỹ cũng cho biết đang nghiên cứu dự án có tên gọi Hệ thống báo động thiên thạch va vào mặt đất (ATLAS), có thể quan sát toàn bộ bầu trời trong tầm nhìn vào ban đêm, và có khả năng phát hiện những thiên thạch nhỏ có đường kính 45m khoảng một tuần trước khi nó rơi xuống Trái Đất. Với những thiên thạch có đường kính lớn hơn (khoảng 150m), hệ thống sẽ cho phép báo trước ba tuần.

Dự kiến, hệ thống ATLAS trị giá 5 triệu USD này sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục