Châu Âu đang trải qua đợt khô cạn và nắng nóng nghiêm trọng sau khi nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận tại lục địa này vào tháng trước.
Tình trạng thiếu nước xảy ra tại nhiều nơi đã tác động không nhỏ tới cuộc sống người dân các nước cũng như cuộc sống của các động vật hoang dã.
Các vườn nho và ruộng cà chua tại Tây Ban Nha bị héo dần do không đủ nước tưới. Hạn hán cũng đe dọa giảm một nửa sản lượng nông nghiệp ở vùng Baltic trong năm nay.
Một loạt biện pháp đã được các nước đưa ra để chống lại tình trạng khô hạn.
Tại Đức, nhà chức trách phải hạn chế việc đi thuyền trên 2 con sông Elbe và Oder do mực nước xuống thấp.
[Biến đổi khí hậu: WMO cảnh báo 2019 có thể là năm nóng kỷ lục]
Các quy định hạn chế sử dụng lãng phí nước cũng đã được Pháp đưa ra. Người dân tại một số khu vực tại Pháp được khuyên cáo không nên rửa xe hơi hay kêu gọi người dân cắt giảm hoàn toàn việc sử dụng nước và chỉ sử dụng nước cho như cầu thiết yếu.
Theo ông Arnaud Lespagnol, Chủ tịch Hiệp hội nông dân FDSEA tại vùng Cher, Pháp, trước tình trạng nắng nóng và hạn hán, người nông dân đã phải cố gắng hết sức để quản lý việc tiêu thụ nước cũng như thay đổi một số loại cây trồng.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cũng cho biết chính phủ nước này cũng đã nhận thức rõ về tình trạng đáng lo ngại mà người chăn nuôi và trồng trọt nước này phải đối mặt, đồng thời cho biết chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết tùy thuộc vào diễn biến tình hình.
Theo dự báo của cơ quan thời tiết AEMET của Tây Ban Nha, trong tháng Tám và Chín, nước này dự kiến sẽ tiếp tục đón các đợt nắng nóng với nhiệt độ cao bất thường.
Khoảng 32 triệu người dân nước này sẽ đối mặt với một mùa Hè dài hơn và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu./.