Châu Âu hồi tưởng những ký ức kinh hoàng tại các trại tập trung

Ngày 26/4, lãnh đạo châu Âu đã cùng nhớ lại những tội ác kinh hoàng xảy ra ở các trại tập trung do Đức Quốc xã và các đồng minh của họ điều hành.
Châu Âu hồi tưởng những ký ức kinh hoàng tại các trại tập trung ảnh 1Lối vào di tích trại tập trung Auschwitz-Birkenau, ngày 19/10/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/4, lãnh đạo châu Âu cùng nhau nhớ lại những tội ác kinh hoàng xảy ra ở các trại tập trung do Đức Quốc xã và các đồng minh của họ điều hành trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với các buổi lễ được tổ chức ở Đức, Croatia và Pháp.

Trước 70 nạn nhân sống sót có mặt tại trại tập trung Bergen-Belsen ở miền Tây nước Đức, Chủ tịch Hội đồng người Do thái Thế giới Ronald Lauder nhắc lại những hình ảnh đau lòng xuất hiện đầu tiên khi trại này được giải phóng cách đây 70 năm.

Đó là những chiếc xe ủi đẩy những thi thể trần truồng vào những hố chôn tập thể, những bộ khung xương di động, những nỗi buồn và sự mất mát không thể tin là có thật.

Tổng thống Đức Joachim Gauck bày tỏ lòng kính trọng đối với những binh lính Anh đã giải phóng trại này và "khôi phục nhân tính" cho nước Đức.

Hơn 50.000 người bị đi đày từ khắp châu Âu đã bỏ mạng tại Bergen-Belsen trong thời gian từ năm 1941 đến 1945.

Cùng ngày, Croatia tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày khoảng 600 tù nhân tìm cách vượt ngục ở trại tập trung Jasenovac, hay còn gọi là Auschwitz của Croatia, với sự tham gia của nhiều gia đình, quan chức và nhà ngoại giao để tưởng nhớ hàng chục nghìn nạn nhân, chủ yếu là người Serbia và người Do thái, đã bị giết hại ở một trong những trại tập trung tàn bạo nhất trong chiến tranh này.

Chủ tịch Nghị viện Josip Leko cho rằng nỗi kinh hoàng về trại Jasenovac cảnh báo Ctroatia không để lặp lại những hành động phân biệt chủng tộc hoặc ngược đãi dựa trên những khác biệt về quốc gia, tôn giáo, tư tưởng và giới tính.

Bảo tàng Ký ức về nạn tàn sát người Do thái của Mỹ ước tính 100.000 người - chủ yếu là người Serbia, người Do thái, người Rome và người Croatia chống phátxít - đã bị giết hại tại đây trong khi Serbia đưa ra con số khoảng 700.000 người.

Nhiều người bị xử trảm và nhiều người khác bị thiêu trong các lò nung. Khi những người tham gia phong trào chống Đức Quốc xã tìm đến trại này sau vụ vượt ngục tập thể, bảo vệ nhà tù đã giết hết những tù nhân còn lại, đốt các nhà tù và phòng tra tấn trước khi tháo chạy.

Trong khi đó, Pháp đánh dấu Ngày toàn quốc tưởng nhớ những người bị đi đày bằng việc gợi lại vai trò của nước này hỗ trợ nạn diệt chủng Đức Quốc xã.

Trong buổi lễ tại trại Struthof ở vùng Alsace, Tổng thống Francois Hollande cảnh báo sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do thái đồng nghĩa "điều tồi tệ nhất có thể lặp lại."

Ông nhấn mạnh hiểu biết về lịch sử không thể giúp nước Pháp tránh khỏi điều tồi tệ nhất, đồng thời kêu gọi nước Pháp hành động để bảo vệ những người có thể trở thành nạn nhân, hàm ý hàng nghìn người di cư từ châu Phi và Trung Đông vượt Địa Trung hải vào châu Âu.

Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk Martin Schulz và Thủ tướng Latvia Laimdota Straujuma nằm trong số những người tham dự lễ kỷ niệm với ông Hollande.

Struthof là trại tập trung duy nhất trên lãnh thổ Pháp, nơi giam giữ khoảng 50.000 người đến từ khắp các châu lục.

Phát biểu tại một buổi lễ tưởng niệm trước đó ở thủ đô Paris, Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định cuộc chiến chống hành động dã man chưa chấm dứt, kêu gọi nước Pháp không quên quá khứ và tiếp tục cuộc đấu tranh của cha ông.

Các nhà lãnh đạo nước này nhắc đến những sự việc mới đây khiến nạn bài Do thái lại trở thành mối quan tâm chính trong chương trình nghị sự của chính phủ, đặc biệt sau các vụ tấn công của các phần tử thánh chiến ở thủ đô Paris đầu năm nay, bao gồm vụ tấn công đẫm máu vào một siêu thị của người Hồi giáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục