Châu Âu hoài nghi về mối quan hệ với Mỹ dưới thời ông Trump

Mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tới thăm châu Âu kèm theo nhiều tuyên bố khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc nhưng các nước châu Âu vẫn hoài nghi về các chính sách thời ông Trump.
Châu Âu hoài nghi về mối quan hệ với Mỹ dưới thời ông Trump ảnh 1Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thông điệp "Mỹ giữ cam kết lâu dài và bền vững đối với châu Âu" đã được Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhắc tới trong chuyến thăm chính thức châu Âu và tham dự Hội nghị An ninh Munich (Đức).

Đây được xem là động thái trấn an và xoa dịu của chính quyền Mỹ đối với các đồng minh châu Âu sau những tuyên bố thiếu thiện chí của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua.

Có lẽ chưa bao giờ giới lãnh đạo châu Âu lại chờ đợi những lời giải thích của đồng minh Mỹ như lần này.

Những phát biểu của giới chức Mỹ, đặc biệt là của Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến thăm vừa qua, cho phép họ nắm bắt rõ hơn về đường lối đối ngoại của Mỹ trong những vấn đề liên quan đến châu lục này, đặc biệt là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Theo giới phân tích, mặc dù thông điệp bao trùm mà Phó Tổng thống Mike Pence đưa ra là Mỹ sẽ sát cánh cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Au (EU) như trong quá khứ, nhưng tâm lý bất an chưa hẳn là đã hết. Giới lãnh đạo châu Âu đón nhận cam kết này theo hai chiều hướng khác nhau.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ quan điểm duy trì và thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ và NATO, cho rằng NATO luôn có vị trí trong lợi ích của Mỹ và chỉ có hợp tác cùng nhau mới giúp tăng cường sức mạnh của nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewwicz nhận định rằng Mỹ vẫn không thay đổi chính sách đối với NATO và không có lý do gì để không tin vào người Mỹ.

Ngược lại, một số quan chức ngoại giao EU tỏ ra dè dặt và vẫn không hết nghi ngờ về chính sách của Mỹ.

Tổng thống Pháp François Hollande thẳng thừng tuyên bố: “Không thể nào chấp nhận được việc Tổng thống Mỹ lại đưa ra một loạt tuyên bố gây áp lực với EU về những vấn đề khối này phải làm và không phải làm."

Cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) và hiện là ứng cử viên tranh cử chức thủ tướng Đức, Martin Schulz cũng cáo buộc Tổng thống Trump đang thách thức “an ninh của thế giới phương Tây” và “bắt đầu cuộc chiến tranh văn hóa.”

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã gọi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là một trong những "hiểm họa khó lường” đối với EU.

Ngoài mối nguy do quan điểm dân túy, bảo hộ thương mại, đối phó với cộng đồng đạo Hồi mà ông Trump đang "gieo rắc" cho các chính trị gia tại Pháp, Đức... muốn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quan trọng năm nay, EU còn phải đối mặt với hiểm họa lớn chưa từng có kể từ khi Hiệp ước Rome được các nước châu Âu ký kết năm 1957, đánh dấu sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của EU).

Chính sách di trú “gây tranh cãi” của ông Trump sẽ khiến EU trở thành nạn nhân đầu tiên và lớn nhất do lượng người tị nạn từ những quốc gia Hồi giáo buộc phải từ bỏ “giấc mơ Mỹ” quay sang tìm kiếm tương lai tại miền đất hứa ở "Lục địa già."

Trong cuộc viếng thăm trụ sở của NATO hôm 20/2, Phó Tổng thống Mỹ nói rõ rằng mặc dù sự ủng hộ của Mỹ đối với liên minh an ninh này “không thay đổi”, song việc chia sẻ gánh nặng là cần thiết.

Dù Phó Tổng thống Mỹ khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn ủng hộ mạnh mẽ NATO, nhưng các chuyên gia cho rằng thông điệp của Mỹ vẫn cần phải được kiểm chứng bởi từ sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump vẫn duy trì quan điểm các thành viên cần phải thực hiện đầy đủ cam kết và đóng góp tài chính.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng đề cao mối quan hệ với Nga. Đây cũng là điều khiến các nước đồng minh NATO lo ngại về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Rõ ràng, dù ông Pence đưa ra nhiều thông điệp trấn an EU và cả NATO về sự ủng hộ của Washington, nhưng cam kết này vẫn không thể xóa tan những nghi ngờ. Trên thực tế, những thông điệp mà ông Mike Pence đưa ra không đồng nhất với Tổng thống Donald Trump.

Ông Trump từng nhiều lần đưa ra tuyên bố “gây sốc” khi phê phán năng lực của EU và chỉ trích NATO là một tổ chức “già cỗi, lạc hậu.”

Vì thế, sự không nhất quán trong quan điểm của hai nhà lãnh đạo đứng đầu nước Mỹ càng làm cho người ta khó đoán định mối quan hệ thật sự giữa EU và Mỹ sẽ ra sao.

Trên thực tế, sự khác biệt về quan điểm khiến Mỹ và EU đang bị "lệch pha" trong nhiều vấn đề. Đó là cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc khủng hoảng nhập cư,…

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đang làm EU lo ngại bởi nếu Mỹ cấm, chắc chắn làn sóng nhập cư sẽ dồn vào châu Âu.

Cam kết của Mỹ về một châu Âu thống nhất cũng đang bị nghi ngờ bởi hàng loạt phát biểu của ông Trump ca ngợi "kết quả đúng đắn" của cuộc bỏ phiếu về vấn đề Brexit (nước Anh rời EU).

Thương mại cũng là vấn đề đang gây chia rẽ giữa chính quyền mới ở Mỹ với châu Âu. Thủ tướng Đức đã đề nghị EU cần khẩn trương khởi động đàm phán với các quốc gia tiềm năng khác nếu Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) không còn khả thi dưới thời chính quyền của tân Tổng thống Mỹ.

Chính sách thương mại sắp tới của Washington như kéo việc làm về Mỹ hay chính sách đồng USD mạnh nhằm thu hút dòng vốn về nước này sẽ tác động đến EU và buộc khối này phải có những điều chỉnh cho phù hợp.

Mặc dù ông Mike Pence đã giải tỏa được phần nào một số nghi ngại, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa hết lo lắng về tương lai bấp bênh của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bởi những khác biệt lớn chưa thể vượt qua.

Với một tổng thống Mỹ có chính sách khó đoán định và một EU trung thành với đường lối truyền thống, hai bên không dễ dàng tìm được tiếng nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục