Châu Âu đổ xô tích trữ dầu diesel trước lệnh cấm nhập sản phẩm dầu Nga

Lượng mua dầu diesel của châu Âu trong tháng Một đang trên đà đạt mức cao nhất trong một năm, trước khi lệnh cấm các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2.
Châu Âu đổ xô tích trữ dầu diesel trước lệnh cấm nhập sản phẩm dầu Nga ảnh 1Một trạm xăng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Châu Âu chuẩn bị cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào ngày 5/2/2023, một động thái đã gây ra những thay đổi lớn trong giao dịch dầu diesel toàn cầu.

Điều này khiến những người mua đang gấp rút đổ dầu diesel của Nga đầy các bể chứa dầu châu Âu, với lượng mua vào trong tháng này đang trên đà đạt mức cao nhất trong một năm.

Liên minh châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển từ ngày 5/12/2022 và sẽ cấm các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023, trong nỗ lực nhằm hạn chế các nguồn thu chính của Nga.

Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Australia và 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/12 vừa qua cũng đã áp dụng mức giá trần đối với dầu thô của Nga.

Điều này cho phép các nước ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng sẽ cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi được bán với giá dưới 60 USD/thùng.

Giá dầu thô Urals của Nga giảm trong tháng 12/2022. Theo các nguồn tin thương mại, dầu thô của Nga đã được bán cho các nước như Ấn Độ với giá dưới mức trần 60 USD/thùng, mặc dù Nga cho biết họ sẽ không tuân theo mức trần ngay cả khi phải cắt giảm sản lượng.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các tàu chở dầu thô của Nga đã bốc hàng trước ngày 5/12 và dỡ hàng tại điểm đến trước ngày 19/1 sẽ không bị giới hạn giá.

G7, Australia và EU đang thiết kế một cơ chế giá trần tương tự đối với nhiên liệu tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut, từ ngày 5/2 tới.

[G7 lên kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau với dầu mỏ Nga]

Theo một quan chức G7, sẽ có những sản phẩm được giao dịch ở mức cao hơn giá dầu thô cũng như những sản phẩm được giao dịch ở mức thấp hơn. Nhưng các chuyên gia đang phải cân nhắc để xem mức giá trần đối với nhiên liệu tinh chế sẽ như thế nào.

Giới hạn giá các chế phẩm dầu mỏ phức tạp hơn so với việc đặt giới hạn giá đối với dầu thô, bởi vì có nhiều sản phẩm từ dầu và giá của chúng thường phụ thuộc vào nơi chúng được mua hơn là nơi chúng được sản xuất.

Các nhà phân tích cho biết, do châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu diesel của Nga, nên lệnh cấm ngày 5/2 dự kiến sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận cho loại nhiên liệu này.

Công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng WoodMac dự kiến biên lợi nhuận dầu diesel của châu Âu, lợi nhuận mà một nhà máy lọc dầu kiếm được về mặt lý thuyết từ việc lọc dầu thô thành dầu diesel, đạt trung bình 38 USD/thùng trong nửa đầu năm 2023, cao hơn gấp đôi mức trung bình của giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022.

Theo công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, tính từ đầu năm 2023, nhập khẩu dầu diesel của châu Âu đạt trung bình 700.000 thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021, do các thương nhân đổ xô đổ mua vào trước lệnh cấm.

Bên cạnh đó, châu Âu đã tăng nhập khẩu dầu diesel từ châu Á và Trung Đông, hai khu vực dự kiến sẽ “gánh” phần lớn lượng dầu diesel xuất khẩu sang châu Âu sau khi lệnh cấm có hiệu lực.

Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển dài hơn và nhu cầu cao hơn đối với các tàu chở dầu nhiên liệu vào châu Âu, đồng nghĩa với việc giá cước vận chuyển đang tăng lên, làm tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng.

Các nhà phân tích cho biết, các dự án lọc dầu mới dự kiến sẽ giúp gia tăng sản lượng dầu diesel toàn cầu, thúc đẩy dòng chảy đến châu Âu vào cuối năm và giúp giảm bớt khủng hoảng năng lượng.

Các dự án mới được bổ sung được kể đến bao gồm việc mở rộng nhà máy lọc dầu Jizan có công suất 400.000 thùng/ngày ở Saudi Arabia, nhà máy lọc dầu công suất 650.000 thùng/ngày của Dangote ở Nigeria dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 1/2023, nhà máy lọc dầu mới al-Zour có công suất 615.000 thùng/ngày ở Kuwait và một số nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục