Châu Âu 'dò bước' qua khủng hoảng làn sóng lây nhiễm COVID-19

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với những người đồng cấp châu Âu rằng Đức "dường như đã phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ ba."
Châu Âu 'dò bước' qua khủng hoảng làn sóng lây nhiễm COVID-19 ảnh 1Các chuyên gia khuyến cáo rằng khi chưa đạt đủ 80% dân số được tiêm chủng để có thể miễn dịch cộng đồng thì các nguy cơ vẫn hiệu hữu. (Nguồn: European Pharmaceutical Review)

Đánh giá tiến triển đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19, tại cuộc họp nội các cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mỉm cười nói với những người tham gia rằng "vậy là chúng ta cũng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm."

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra cùng thời điểm, Thủ tướng Merkel cũng nói với những người đồng cấp châu Âu rằng Đức "dường như đã phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ ba."

Sự lạc quan của nhà lãnh đạo Đức xuất phát từ thực tế rằng số ca nhiễm mới giảm hẳn khiến áp lực dịch bệnh phần nào được giải tỏa không chỉ ở Đức mà cả ở nhiều nước châu Âu khác.

Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu đều đã lên phương án nới lỏng những hạn chế được áp đặt trong suốt thời gian qua, dù chiến lược sống chung với dịch bệnh vẫn là những nét chủ đạo trong kế hoạch nới lỏng.

Nếu so sánh cùng thời điểm tuần trước, tỷ lệ nhiễm mới ở châu Âu đã giảm gần 20% và với chiến dịch tiêm chủng đang được tăng tốc, các nước đều rục rịch tìm cách để dỡ bỏ các hạn chế một cách an toàn khi mùa Hè, mùa du lịch, đang tới gần.

[Dịch COVID-19: Châu Âu chưa thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa]

Tại Pháp, quốc gia đang dần thoát khỏi tình trạng bế tắc do dịch bệnh, kể từ đầu tháng Năm vừa qua, người dân đã được phép đi xa hơn 10km từ nơi ở, trong khi các cửa hàng, quán cafe ngoài trời và địa điểm văn hóa dự kiến mở cửa trở lại từ giữa tháng Năm này.

Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng sẽ được thực hiện muộn hơn và có thể được dỡ bỏ vào cuối tháng Sáu.

Tại Đức, kể từ khi luật "phanh khẩn cấp" được áp dụng một cách tự động và ràng buộc trên cả nước, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm hẳn. Hiện nhiều bang đã lên kế hoạch cụ thể để nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó thủ đô Berlin dự kiến dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm từ ngày 19/5 tới.

Tại Italy, quốc gia từng là điểm nóng dịch ở châu Âu, phần lớn các vùng ở nước này hiện nằm trong "vùng màu vàng," có nghĩa các quán bar và nhà hàng có thể mở cửa trở lại, trong khi học sinh ở hầu hết các nơi đã quay lại trường.

Quốc gia Bắc Âu Đan Mạch đã dỡ bỏ một số hạn chế khi cho phép mở cửa trở lại các cửa hàng cũng như quán phục vụ ăn uống ngoài trời. Đan Mạch nằm trong số ít quốc gia châu Âu đã cấp "thẻ corona" với người trên 15 tuổi (bằng giấy hoặc trên điện thoại thông minh) chứng nhận người đã được tiêm chủng, đã khỏi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, sẽ được một số ưu tiên.

Hy Lạp, quốc gia Đông Nam Âu, từ giữa tháng Năm cho phép du khách nhập cảnh nếu đã được tiêm chủng vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, các trường học được mở trở lại và nhà hàng phục vụ ngoài trời cũng cho phép đón khách.

Một số nước châu Âu khác như Hà Lan, Ba Lan, CH Séc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ,... cũng đã hoặc trong lộ trình nới lỏng các hạn chế và phong tỏa.

Thực tế này là minh chứng cho thấy hầu hết các nước châu Âu đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 với tỷ lệ nhiễm mới giảm mạnh.

Giới phân tích đã lý giải một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất nằm ở sự thay đổi hành vi của người dân châu Âu.

Trải qua hai làn sóng lây nhiễm, tới làn sóng thứ ba hiện nay, phần lớn người dân châu Âu đã ý thức hơn được việc tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, bởi trong số những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm của họ, khả năng có người cho tới nay không thể qua khỏi là rất cao.

Bên cạnh đó, với việc phần lớn người dân đã đăng ký lịch hẹn tiêm chủng, chẳng ai muốn bản thân bị mắc bệnh khi sắp tới lượt tiêm, điều khiến chính họ có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân.

Ngoài ra, những hình ảnh "vỡ trận" vì dịch bệnh như ở Ấn Độ lan truyền trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là sự nguy hiểm của các biến thể, đã phần nào khiến người dân châu Âu phải giữ mình hơn, mặc dù hệ thống y tế ở nhiều nước châu Âu có năng lực tốt hơn quốc gia Nam Á.

Việc tuân thủ các hạn chế suốt nhiều tháng qua ở các nước phần nào trở thành thói quen, khiến người dân có suy nghĩ coi đầy là điều bình thường trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Nguyên nhân thứ hai là tốc độ tiêm chủng đang được đẩy mạnh ở hầu hết các nước châu Âu sau giai đoạn ì ạch ban đầu vì khan hiếm vaccine.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng cách duy nhất để thoát khỏi cơn ác mộng COVID-19 là tiêm chủng càng sớm càng tốt cho nhiều người.

Hiện các nước "lục địa già" đang sử dụng 4 loại vaccine đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận gồm BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Trong khi Anh - nước bắt đầu tiêm chủng sớm hơn 3 tuần so với các nước châu Âu khác (từ ngày 2/12/2020) - bỏ xa các nước "lục địa già" về tổng số liều tiêm chủng (trên 53 triệu liều), thì nhiều nước đang bám đuổi sát nút về tỷ lệ dân số được tiêm đủ mũi vaccine.

Cụ thể, Anh đạt 27% dân số tiêm đủ mũi, tiếp đến là Hungary (gần 26%), Malta (25%)... Sau Anh, Đức với 34,4 triệu mũi và Pháp 25,4 triệu mũi là những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Âu.

Tính riêng các nước thành  viên EU, trung bình trong tuần trước, mỗi ngày đã có gần 3 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm tại 27 nước.

Chính tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng cao hơn cho những người thuộc nhóm nguy cơ đã có tác động tích cực khi số ca phải nhập viện giảm mạnh ở hầu hết các nước châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây cho biết EU đã ký hợp đồng mua thêm 1,8 tỷ liều vaccine BioNTech/Pfizer để tăng tốc tiêm chủng cho hơn 447 triệu dân nội khối.

Đây là động thái quyết liệt của EU sau thời gian đầu có phần lúng túng và phản ứng chậm chạp trong ứng phó với COVID-19, từ việc trang bị và phân phối khẩu trang, đồ bảo hộ y tế cho tới việc "thảo luận lên, thảo luận xuống" khi quyết định mua sắm vaccine.

Nguyên nhân thứ ba là khả năng phát triển kháng thể và miễn dịch ở những người đã khỏi bệnh. Theo một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí "Nature Communications", bệnh nhân COVID-19 có kháng thể trong máu đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh này trong ít nhất 8 tháng sau khi mắc bệnh.

Cho tới nay, cả châu Âu nói chung có khoảng 47 triệu người từng mắc và đã khỏi bệnh được ghi nhận, như Pháp đã có 5,4 triệu người khỏi bệnh, Anh 4,2 triệu người, Italy 3,8 triệu người Đức 3,2 triệu người.

Trong khi đó, số người đã có sẵn kháng thể hoặc bị mắc và đã tự khỏi không được báo cáo cũng là con số không nhỏ trong tổng dân số châu Âu. Chính những yếu tố này góp phần quan trọng làm giảm số ca nhiễm mới ở châu Âu thời gian qua.

Ngoài ra, một số nguyên nhân cũng dẫn tới số ca nhiễm giảm, như những biện pháp hạn chế hiện hành ở các nước. Mặc khác, thời tiết ấm áp hơn khi mùa Hè bắt đầu khiến nhiều người ra ngoài trời có không gian thoáng đãng hơn, thay vì ở trong phòng khép kín, từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Theo các nhà khoa học, tất cả những biện pháp trên đều quan trọng và có giá trị bổ trợ cho nhau trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 ở châu Âu.

Những tín hiệu lạc quan trên đang khiến các nước châu Âu kỳ vọng vào khả năng có thể tiến tới mở cửa trở lại nền kinh tế. EU cũng đang nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo tất cả công dân và người cư trú có thể được cấp "thẻ thông hành chứng nhận không mắc COVID-19" vào tháng tới.

Tuy nhiên, tình trạng virus lây lan đang tàn phá Ấn Độ và gia tăng ở nhiều quốc gia từ châu Á đến Mỹ Latinh cũng khiến giới chức châu Âu phải thận trọng. 

Giới chuyên gia đánh giá các biến thể mới nguy hiểm hơn đang lây lan quá dễ dàng trong khi việc tiêm phòng tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn diễn ra chậm chạp, chưa đủ để có thể hướng đến khả năng miễn dịch cộng đồng.

Giáo sư, Tiến sĩ David Heymann thuộc Khoa Dịch tễ học trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London cho rằng sự bùng phát dịch ở Ấn Độ cho thấy nguy cơ lây lan gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới.

Theo ông, chỉ khi đạt tới một mức độ miễn dịch nhất định và tốc độ tiêm chủng tăng nhanh, các đợt bùng phát trong tương lai sẽ không xảy ra ở quy mô như Ấn Độ hiện nay. Các vụ bùng phát nhỏ hơn sẽ ít gây tử vong hơn, nhưng vẫn là mối đe dọa thường xuyên đối với các nước.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng khi chưa đạt đủ 80% dân số được tiêm chủng để có thể miễn dịch cộng đồng thì các nguy cơ vẫn hiệu hữu. Do vậy, vẫn cần tuân thủ các quy định về vệ sinh dịch tễ, duy trì tỷ lệ xét nghiệm cao để kịp thời phát hiện ca nhiễm, không để dịch lây lan rộng.

Chuyên gia dịch tễ học Markus Scholz từ Đại học Leipzig (Đức) cũng cảnh báo nguy cơ tiếp theo sẽ là sự lây lan ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên do nhóm đối tượng này hầu hết chưa được tiêm chủng.

Bên cạnh đó, một nguy cơ nữa là sự lây lan của các biến thể có khả năng vô hiệu hóa vaccine, dù nguy cơ này không cao. Những yếu tố này khiến châu Âu vẫn phải cảnh giác trước virus SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục