Châu Âu đi đầu trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài

Danh sách 10 nước đứng đầu trong Bảng xếp hạng Nhân tài thế giới 2017 lần lượt là Thụy Sĩ, Đan Mạch, Bỉ, Áo, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy, Đức, Thụy Điển và Luxembourg.
(Nguồn: HR management slides)

Bảng xếp hạng Nhân tài thế giới 2017 do trường đào tạo chuyên ngành kinh doanh hàng đầu thế giới IMD của Thụy Sĩ công bố ngày 20/11 cho thấy các nền kinh tế châu Âu vẫn đi đầu thế giới trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nguồn lực nhân tài hàng đầu thế giới.

Danh sách 10 nước đứng đầu trong Bảng xếp hạng Nhân tài thế giới 2017 lần lượt là Thụy Sĩ, Đan Mạch, Bỉ, Áo, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy, Đức, Thụy Điển và Luxembourg.

Tiêu chí đánh giá bảng xếp hạng này dựa trên 3 yếu tố gồm mức độ đầu tư, phát triển, sức hấp dẫn và tính sẵn sàng, tập trung trong một loạt các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo nghề, đào tạo tại chỗ, kỹ năng ngôn ngữ, chi phi sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, thu nhập và thuế thu nhập.

Theo IMD, dù là nền kinh tế số 1 châu Âu nhưng Đức chỉ đứng vị trí khiêm tốn thứ 8 trong danh sách này là do nước này bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu, từ đó dẫn đến việc giảm đầu tư cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, IMD vẫn khẳng định Đức là một những nước "xuất khẩu" nhiều nhân tài nhất và cũng là nước thu hút nhiều nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.

Tại khu vực Đông Âu, Estonia đứng thứ 29 trong bản xếp hạng và tiếp theo đó là Litva đứng thứ 33 và Ba Lan đứng thứ 34. Thành tích của các nước này chủ yếu được ghi nhận trong lĩnh vực đầu tư và phát triển, trong khi đó Estonia "ghi điểm" nhờ yếu tố sẵn sàng.

Dù xếp thứ 16 trong bảng xếp hạng, nhưng Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất đi sức cạnh tranh nếu cường quốc này không tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục công. So với nhiều nước khác, Mỹ vẫn chiếm lợi thế lớn về việc thu hút các nhân tài nước ngoài thông qua yếu tố về chất lượng cuộc sống, cơ hội thăng tiến trong công việc, mức lương cao.

Trong khi đó, các nước khu vực Mỹ Latinh đang đối mặt với những thách thức trong việc phát triển và giữ chân lực lượng lao động chuyên môn cao do thiếu đầu tư vào giáo dục và "chảy máu" chất xám.

Với vị trí thứ 44 trong bảng xếp hạng nói trên, Chile vẫn là quốc gia Mỹ Latinh thể hiện sự "tiến bộ" nhất trong việc thu hút nhân tài. Tiếp sau là Argentina (50), Brazil (52), Colombia (55), Mexico (56), Peru (57) và Venezuela (63) - vị trí sau cùng trong bảng xếp hạng.

Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Nam Phi giữ vị thứ 48, Ấn Độ thứ 51, Brazil thứ 52, xếp sau Trung Quốc thứ 40 và Nga thứ 43.

Qatar xếp vị trí thứ 22 trong Bảng xếp hạng Nhân tài thế giới 2017. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đứng vị trí 25 trong danh sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục