Châu Âu 'đau đầu' vì giá năng lượng khi mùa Đông đến gần

Giá khí đốt tăng cao đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân các nước, nhất là trong bối cảnh một mùa Đông được dự báo là khắc nghiệt đang đến gần.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images/Bloomberg)

Theo truyền thông Đức, tại nhiều quốc gia châu Âu, giá khí đốt đã tăng nhanh chóng và cao gấp nhiều lần so với thời điểm này năm ngoái.

Tình trạng này đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân các nước, nhất là trong bối cảnh một mùa Đông được dự báo là khắc nghiệt đang đến gần.

Theo đài BR24, tại Tây Ban Nha, giá khí đốt hiện tại đã tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm 2020; giá điện cũng tăng gấp hơn 3 lần. Giá năng lượng dường như tăng vọt một cách không thể ngăn cản trong năm 2021.

Chính phủ Tây Ban Nha đang kêu gọi châu Âu phải đề ra giải pháp chung trên bình diện châu lục để giải quyết vấn đề này.

Brussels cần phải đứng ra đại diện cho các quốc gia riêng lẻ để thương lượng với các nhà cung cấp năng lượng, qua đó giúp hạ mức giá cao ngất ngưởng hiện nay.

[Nga chỉ trích sự đổ lỗi của EU về tình trạng khan hiếm khí đốt]

Tình hình tại Pháp cũng tương tự. Người Pháp hiện phải trả giá khí đốt cao hơn 57% so với hồi đầu năm nay.

Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp đã quyết định giảm thuế đối với loại năng lượng quan trọng này. Giá khí đốt có thể sẽ không tăng trong những tháng mùa Đông tới.

Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp khoảng 100 euro/hộ trong tháng 12 tới để chi trả cho giá khí đốt tăng cao.

Vương quốc Anh cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Kể từ đầu năm, giá khí đốt bán buôn đã tăng 250%, gây hậu quả lớn đối với nền kinh tế và người tiêu dùng tại “quốc đảo sương mù.”

Trong vài tuần qua, một số nhà cung cấp năng lượng tại đây đã phá sản.

Hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng và phải thay đổi nhà cung cấp khí đốt và điện khác, khiến họ phải trả chi phí cao hơn đáng kể vì phải ký các hợp đồng với mức giá mới.

Với 85% dân số Anh sử dụng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm, nhiều người Anh hiện lo lắng về việc mùa Đông tới đây họ sẽ phải sống trong giá lạnh vì không có đủ khí đốt cho nhu cầu sưởi ấm.

Để trấn an người dân, Bộ trưởng Kinh tế Anh Kwasi Alfred Addo Kwarteng cho biết ưu tiên hàng đầu của chính phủ là bảo vệ người tiêu dùng, sẽ không ai phải sống trong những căn hộ lạnh lẽo không có khí sưởi.

Tại Đức, theo báo Die Welt, giá khí đốt đang ở mức cao và các bể dự trữ không còn đầy như trước, khi mùa Đông đang đến gần.

Nỗi lo về việc thiếu hụt khí đốt ngày càng gia tăng. Die Welt dẫn lời ông Thomas Engelke từ Hiệp hội người tiêu dùng Đức cho biết trong 12 tháng qua, giá khí đốt bán buôn tại Đức đã tăng gấp 3 lần.

Ông cho rằng trong những năm tới sẽ còn những đợt tăng giá hơn nữa. Đảm bảo nguồn cung ổn định là vấn đề đáng lo ngại.

Nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng mạnh

Theo kênh BR24, có nhiều nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng mạnh. Đầu tiên phải kể tới là nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, nền kinh tế nhiều quốc gia đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, các doanh nghiệp đã nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, cùng với đó là nguồn cung năng lượng lại giảm. Ví dụ tại Brazil, nơi thủy điện có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, thời gian qua do hạn hán kéo dài nên các nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng.

Hay ở Anh, ngoài những tác động tiêu cực của Brexit, trong suốt một thời gian dài từ tháng 5-9, các nhà máy phong điện bị ảnh hưởng vì thiếu gió.

Điều này khiến nhu cầu đối với năng lượng hóa thạch tăng lên. Mùa Đông khắc nghiệt ở một số quốc gia cũng đã làm giảm trữ lượng khí đốt trong các kho dự trữ.

Các cơ sở dự trữ khí đốt ở Đức và châu Âu hiện có mức trữ thấp hơn bình thường trước mùa Đông.

Theo tờ Die Welt, nền kinh tế châu Âu đã có một khởi đầu tốt ngoài mong đợi sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Điều này dẫn đến nhu cầu năng lượng tăng vọt khiến giá cả càng gia tăng.

Theo quy luật thị trường, các tàu chở khí đốt hóa lỏng từ các nước sản xuất chủ yếu hướng đến nơi có thể tạo ra lợi nhuận cao nhất, hiện tại là châu Á.

Tại đây, “cơn khát” khí đốt đang ở mức cao nhất thế giới, do đó mức độ sẵn sàng chi trả là rất cao. Kết quả là khí đốt ngày càng trở nên đắt và khan hiếm hơn ở châu Âu. Một yếu tố nữa đẩy giá khí đốt tăng là phí bảo vệ khí hậu, hay phí CO2,  cũng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Báo Đức dẫn lời ông Martin Neumann, người phát ngôn chính sách năng lượng của nhóm nghị sỹ Đảng Dân chủ tự do (FDP) trong Quốc hội Đức, cho biết do giá cao hơn nên các doanh nghiệp nhập khẩu khí đốt của Đức quyết định không bổ sung hàng dự trữ trong mùa Hè.

Điều này giải thích tại sao các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện nay lại có trữ lượng ít hơn bình thường, làm gia tăng mối lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung.

Phương hướng giải quyết

Theo kênh truyền hình Tagesschau, cả châu Âu hiện phải đối mặt với giá khí đốt tự nhiên và giá điện rất cao, nhưng các nước EU phản ứng rất khác nhau trước cú sốc giá năng lượng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần rút ra bài học lâu dài và không để phụ thuộc vào một nguồn năng lượng mặc dù rất hấp dẫn khi giá thấp, nhưng lại đột ngột tăng giá khi thị trường biến động.

Pháp sẽ giới hạn giá điện và khí đốt cho đến tháng 4/2022 và cung cấp gói trợ cấp năng lượng cho 6 triệu hộ gia đình đặc biệt khó khăn.

Với Tây Ban Nha, Tagesschau cho biết nước này đang tạm thời giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với điện. Nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng điều này là chưa đủ.

Theo ông, tất cả các quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng, do đó cần phải đưa ra một giải pháp chung ở cấp độ châu Âu, chứ không chỉ là giải pháp từ mỗi quốc gia riêng lẻ.

Nhưng một giải pháp như vậy cụ thể là gì? Madrid cùng Paris và 3 quốc gia khác trong EU đưa ra công thức: cùng nhau điều phối việc mua khí đốt, điều tiết thị trường điện, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp. Nhưng không phải tất cả các nước EU đều đồng tình ủng hộ.

Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Annika Saariko cho rằng trợ cấp cho các hộ gia đình là vấn đề quốc gia, không phải vấn đề của EU. Ngoài ra, tình hình năng lượng của Phần Lan hiện không đến mức tồi tệ.

Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết Đức ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả hơn so với một số quốc gia láng giềng do nhiều hợp đồng khí đốt của Đức có tính dài hạn hơn.

Hungary và Ba Lan đang sử dụng các cuộc tranh luận về giá năng lượng để củng cố cho quan điểm của họ.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng kế hoạch tăng thuế khí thải CO2 của EU là một kế hoạch tồi tệ, người dân EU sẽ phải trả những hóa đơn năng lượng cao hơn nhiều nếu kế hoạch này không được rút lại.

Quan điểm của Ba Lan cũng tương tự: giá năng lượng đã leo thang rất cao, do đó không thể tiếp tục đặt thêm gánh nặng lên vai người dân EU trong việc bảo vệ khí hậu.

Về phía EU, Ủy ban châu Âu (EC) phản đối những lập luận trên. Họ cho rằng quá trình “xanh hóa” châu Âu càng đạt nhiều tiến bộ thì châu Âu càng ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Brussels muốn giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình nghèo, vốn phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá năng lượng cao.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Kadri Simson cho rằng ngay từ trước khi giá năng lượng tăng mạnh, hàng triệu người châu Âu vẫn phải sống trong cảnh thiếu hụt năng lượng; nếu giả cả tiếp tục tăng, sẽ có nhiều người hơn nữa bị ảnh hưởng, trong đó có cả các hộ gia đình thu nhập trung bình.

Bà Simson tin rằng chính phủ các nước thành viên EU có thể hỗ trợ những hộ gia đình này thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, giảm thuế năng lượng hoặc cho phép trì hoãn thanh toán tiền điện.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quốc gia cũng có thể hỗ trợ thông qua các khoản trợ cấp hoặc tạo điều kiện cho họ ký các hợp đồng mua điện dài hạn, miễn là không ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường nội bộ EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục