Công ty sản xuất chip của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) TSMC ngày 8/8 đã nhất trí với một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Đức.
Động thái này nằm trong nỗ lực đưa châu Âu trở thành trung tâm của ngành bán dẫn toàn cầu.
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt để giữ vị thế thống trị trong ngành chip, và châu Âu cũng đang đầu tư hàng tỷ USD để bắt kịp cuộc đua này.
Bán dẫn là linh kiện không thể thiếu trong mọi thiết bị điện tử, từ đồ chơi trẻ em và điện thoại thông minh, đến ôtô điện và các loại vũ khí tinh vi. Đại dịch COVID-19 và kéo theo đó là quy định đóng cửa biên giới đã gây ra tình trạng thiếu hụt chip và khiến phần lớn ngành công nghệ này đình trệ trong năm 2020 và 2021.
Cuộc khủng hoảng này đã hối thúc chính phủ các nước hành động, trong đó Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp ngày càng cứng rắn để đảm bảo chuỗi cung ứng chip.
Về phía mình, châu Âu đang đề xuất một luật nhằm thúc đẩy đầu tư vào ngành này.
[EU đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần thị phần chất bán dẫn vào năm 2030]
Đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý của Liên minh châu Âu (EU), Đạo luật Chips đặt mục tiêu "giải phóng" 43 tỷ euro (49 tỷ USD) vốn đầu tư từ các thể chế công và tư.
Với kế hoạch này, EU đang hướng đến việc nắm giữ 20% hoạt động sản xuất chip toàn cầu vào năm 2030, tức bao gồm cả việc nâng tăng gấp bốn lần sản lượng chip hiện tại của khối này.
Cho đến nay, Đức vẫn là quốc gia nổi trội hơn hẳn về thu hút đầu tư vào ngành chip tại châu Âu.
Dự án đầu tư nói trên từ TSMC được công bố hai tháng sau khi Đức đã sắp xếp một thỏa thuận với tập đoàn Intel để xây dựng một nhà máy trị giá 32 tỷ euro. Nước này cũng đã đạt được các thỏa thuận khổng lồ với công ty Wolfspeed của Mỹ và Infineon trong năm nay.
Vậy châu Âu đang ở đâu trên thị trường chip toàn cầu?
Gần như toàn bộ nguyên vật liệu thô cần thiết để chế tạo chip đều được sản xuất tại Trung Quốc. Đài Loan, nơi có nhiều nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, đang chiếm hơn một nửa sản lượng chip toàn cầu, trong khi nhiều công ty thiết kế chip tên tuổi như Nvidia, cùng với các nhà sản xuất thiết bị như Apple, lại đến từ Mỹ.
Hiệp hội ngành bán dẫn, một tổ chức thương mại của Mỹ, cho biết các công ty Mỹ chiếm 48% ngành chip toàn cầu trong năm ngoái. Hàn Quốc, quê hương của “gã khổng lồ” Samsung, đứng ở vị trí thứ hai với 14%. Và châu Âu đang ở vị trí thứ ba với thị phần 9%./.