Châu Âu có dễ bị tổn thương nếu xung đột ở Hormuz bùng phát?

Trong bối cảnh khả năng xung đột vũ trang Mỹ-Iran ngày càng tăng, và châu Âu bị kẹt ở giữa, nguồn cung dầu toàn cầu được đa dạng hóa có thể vẫn chưa đủ để làm dịu sự lo lắng của thị trường.
Châu Âu có dễ bị tổn thương nếu xung đột ở Hormuz bùng phát? ảnh 1Tàu Stena Impero, treo cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin việc một tàu chở dầu của Anh có liên quan đến vụ đụng độ quân sự mới nhất với Iran trên Eo biển Hormuz chiến lược - một tuyến đường vận chuyển dầu trọng điểm - đã kéo châu Âu vào cuộc xung đột.

Chỉ mới tuần trước, dường như Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn đứng ngoài cuộc trong bối cảnh căng thẳng ở Vịnh Ba Tư. Vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hồi tháng Năm và vụ tấn công các tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản trên Eo biển Hormuz hồi tháng Sáu không hề liên quan tới các nước EU.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết vào ngày 10/7 vừa qua, 3 tàu chiến của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã cố gắng chặn một tàu chở dầu của Anh đi qua vùng biển quốc tế và vùng biển của Iran.

Một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh sau đó đã tiến tới cảnh cáo các tàu chiến, buộc chúng phải rút lui.

Vụ việc này, vốn lần đầu tiên kéo một quốc gia thành viên EU vào một cuộc xung đột đang leo thang, có thể là một phản ứng đáp trả trước việc Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ngoài khơi bờ biển Gibraltar hôm 4/7.

Phía Anh cho biết tàu chở dầu này đang vận chuyển dầu của Iran sang Syria, và điều này vi phạm lệnh trừng phạt của EU.

Căng thẳng giữa EU và Iran có thể leo thang hơn nữa sau khi một học giả người Iran gốc Pháp vừa bị bắt giữ tại Iran.

Việc này diễn ra khi EU quyết định không kích hoạt một cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết hồi năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Iran bắt đầu các hoạt động vi phạm thỏa thuận và cho rằng châu Âu đã không thực hiện các cam kết của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi năm 2018, dẫn đến cuộc xung đột hiện tại.

Căng thẳng đã ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu, nhưng tác động đối với nguồn cung dầu của châu Âu có thể sẽ không còn - miễn là mọi việc không leo thang thêm nữa.

Ai mới là bên chịu thiệt nhất?

Eo biển Hormuz là tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới, nơi chứng kiến khoảng 21% lượng dầu tiêu thụ của toàn cầu đi qua mỗi năm.

Tuy nhiên, phần lớn lượng dầu đi qua đây - 76% trong năm 2018 - được đưa đến các nước châu Á. Các điểm đến lớn nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Cả EU và Mỹ đều không còn phụ thuộc quá nhiều vào dầu từ Vịnh Ba Tư như trước kia, khi mà EU hiện nay chủ yếu lấy dầu và khí đốt từ Nga, Trung Á, châu Phi và Biển Bắc.

Một cuộc xung đột trong ngắn hạn ở eo biển này trước hết sẽ ảnh hưởng đến các nước nhập khẩu dầu châu Á. Tuy nhiên, liệu một cuộc xung đột trong dài hạn có thể ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu, buộc người tiêu dùng châu Âu phải hứng chịu giá năng lượng cao hơn hay không?

Mặc dù cuộc xung đột dữ dội chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu, song các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột này sẽ có ảnh hưởng không quá mạnh mẽ như những năm trước, nhờ vào một thị trường dầu đa dạng hơn trên toàn cầu.

Một thay đổi lớn là sự bùng nổ hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ, khiến sản lượng dầu khí của Mỹ tăng vọt.

Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 17% hồi năm ngoái. Điều này lý giải tại sao những động thái đáp trả đối với các sự cố gần đây, vốn sẽ khiến thị trường rơi vào hỗn loạn nếu ở thời điểm 20 năm về trước, cho đến nay vẫn tương đối êm đềm.

Trong bối cảnh khả năng xung đột vũ trang Mỹ-Iran ngày càng tăng, và châu Âu bị kẹt ở giữa, nguồn cung dầu toàn cầu được đa dạng hóa có thể vẫn chưa đủ để làm dịu sự lo lắng của thị trường. Tuy nhiên, EU hiện có vẻ đang tránh xa các sự cố ở Eo biển Hormuz./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục