Châu Âu chống cự thế nào trong "cuộc chiến" với biến thể Delta?

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo mục tiêu bảo vệ 70% số người trưởng thành ở EU với ít nhất một liều vaccine vào tháng Bảy đã đạt được.
Người dân chờ tiêm vaccine Pfizer bên trong sân vận động Lotto Park, Bỉ. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Những nỗ lực tiêm chủng cho người dân để chống lại đại dịch COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) đang mang lại kết quả khả quan.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo mục tiêu bảo vệ 70% số người trưởng thành ở EU với ít nhất một liều vaccine vào tháng Bảy đã đạt được. Do đó, châu Âu sẽ thành công với mục tiêu tiêm phòng đầy đủ cho 70% người lớn trước khi kết thúc mùa Hè.

Nhưng cuộc chiến chống lại SARS-CoV-2 chưa thể sớm kết thúc. Biến thể Delta dễ lây lan hơn đang lan rộng trên khắp châu Âu. Vì thế, ngưỡng miễn dịch tập thể, tức là tỷ lệ phần trăm dân số phải được tiêm vaccine để hy vọng kết thúc đại dịch, hiện được ước tính là 80% hoặc thậm chí 90%.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Các nhà chức trách trên khắp EU đang phải đối mặt với sự do dự của dân chúng, đặc biệt tại các quốc gia ở Trung và Đông Âu. Vì vậy, để tránh sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên và vẫn đảm bảo việc di chuyển tự do trong khu vực Schengen, vốn đã bị ảnh hưởng trong suốt đại dịch, châu Âu cần củng cố chiến lược tiêm chủng chung. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của thách thức mà "Lục địa Già" vẫn phải đối mặt.

Vào tháng 6/2020, 27 quốc gia EU đã đồng ý mua chung các loại vaccine từ các hãng dược phẩm khác nhau, để phân phối chúng một cách công bằng theo tỷ lệ dân số của các nước. Lúc đó, hành động này là điều hiển nhiên vào thời điểm mà cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine toàn cầu có thể làm lung lay sự đoàn kết của toàn khối nếu các quốc gia thành viên trở thành những đối thủ cạnh tranh. Điều này tránh cho việc các nước giàu là những người đầu tiên có được vaccine, trong khi những nước nghèo hơn khó mua được hoặc phải trả giá quá cao.

[Biến thể Delta tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan mạnh ở nhiều nước]

Sau một khởi đầu phức tạp, do sự chậm trễ trong sản xuất vaccine, đặc biệt là từ nhà cung cấp AstraZeneca, chiến lược vaccine của EU đã đạt được bước tiến đều đặn. Vào đầu tháng Bảy, EC thông báo đã giao đủ liều cho các nước thành viên để tiêm chủng cho 70% dân số - cho đến nay, hơn 536 triệu liều đã được phân phối trên khắp EU.

Chênh lệch giữa các quốc gia thành viên mà EU khó vượt qua

Rõ ràng, chiến dịch tiêm chủng đang bị tụt hậu ở một số nước Đông Âu. Khoảng cách rất lớn giữa một bên là các "nhà vô địch" tiêm chủng như Malta, nơi 90,7% dân số trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, Ireland (85,1%), Đan Mạch (84,6%), Hà Lan (84,3 %), Bỉ (83,1%) và ngược lại, đứng cuối bảng là Romania (31,5%) và Bulgaria (18,6%).

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà xã hội học người Romania, Cristian Pirvulescu cho biết, chiến dịch tiêm chủng rất điển hình ở Romania, nhưng từ tháng Tư, tất cả những ai muốn tiêm vaccine đều đã được đáp ứng. Chính phủ khuyến khích dân chúng tiêm chủng bằng cách tặng mici (một món thịt nướng truyền thống) cho những người muốn tiêm phòng tại các quầy tiêm chủng lưu động được dựng lên ở các chợ. 

Tuy nhiên, Romania đã buộc phải ngừng tiếp nhận vaccine, ngoại trừ loại vaccine đơn liều của Johnson & Johnson. Kể từ tháng Sáu, nước này đã bán một phần dự trữ cho nhiều quốc gia khác như Đan Mạch và Ireland và tặng khoảng 100.000 liều cho Việt Nam. Trong khi đó, Bulgaria đã tặng 172.500 liều vaccine AstraZeneca cho Bhutan.

Nhìn chung, các quốc gia Trung và Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng khoảng 50% dân số. Hungary đã tiêm cho 66,4% công dân của mình, nhưng quốc gia này nằm trong số ít các nước sử dụng vaccine của Trung Quốc và Nga, vốn chưa được Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho phép.

Theo ông Pirvulescu, có mối tương quan giữa tình hình kinh tế của một quốc gia, được phản ánh qua khả năng tiếp cận giáo dục và kiến thức khoa học, và xu hướng công dân bị ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu. Ông Pirvulescu cho rằng ngoài trình độ học vấn, cần lưu ý rằng những người mang trong mình sự thất vọng xã hội sẽ chuyển tâm lý này thành thuyết âm mưu. Theo nghĩa này, tỷ lệ tiêm chủng cũng là một chỉ số cho thấy sự thất vọng xã hội của người dân.

Nhà nghiên cứu Eric Maurice thuộc Quỹ Robert Schuman nhấn mạnh thách thức của châu Âu là khoảng cách giữa các quốc gia thành viên và sự cần thiết bây giờ là tái cân bằng tình hình.

Điều này không hề đơn giản. Đường cong miễn dịch đang được làm phẳng ở tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả những quốc gia vẫn còn cách xa ngưỡng miễn dịch cộng đồng, hiện được đặt ở mức 70%. Trước hiện tượng này, EU gần như bất lực, vì việc thực hiện các chiến dịch tiêm chủng là thẩm quyền của các quốc gia. Theo ông Maurice, việc do dự trong tiêm chủng là một vấn đề quốc gia, mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, với trách nhiệm chính trị đi kèm.

* Biến thể Delta ảnh hưởng đến các quốc gia du lịch và lưu hành khắp EU

Ủy viên EC phụ trách y tế Stella Kyriakides cảnh báo hôm 27/7 rằng bây giờ "không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác" khi đối mặt với mối đe dọa của nhiều biến thể dễ lây lan hơn. Sự gia tăng các ca nhiễm hiện nay do biến thể Delta của COVID-19, hiện chiếm đa số ở một số quốc gia, đang đe dọa sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh thứ tư.

Nhà dịch tễ học Niko Speybroeck, Giáo sư tại Viện nghiên cứu y tế và xã hội thuộc Đại học tôn giáo Louvain, giải thích, tốc độ sinh sản của một con virus bị ảnh hưởng bởi ba thông số. Thứ nhất, số lần tiếp xúc - đó là lý do tại sao có sự gia tăng việc lây lan virus ở các quốc gia du lịch. Thứ hai, nguy cơ lây truyền khi tiếp xúc (giữa hai cá thể). Điều này tăng lên với biến thể Delta dễ lây lan hơn. Cuối cùng là khả năng miễn dịch của người dân. Số người dân tiêm chủng càng ít thì nguy cơ tiếp xúc với những người chưa được miễn dịch càng lớn. Ba thông số này kết hợp với nhau và tạo ra tình hình dịch tễ ở một quốc gia.

Biến thể Delta chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia du lịch như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... và Tây Âu nói chung như Đức, Hà Lan, Bỉ… Chính tại các quốc gia này, số liệu về dịch bệnh đang gia tăng, với virus hiện chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ chưa được tiêm chủng (20-29 tuổi).

Các quốc gia ở Trung và Đông Âu cho đến nay đã ít nhiều tránh được biến thể Delta và hậu quả của nó. Điều này được giải thích là do sự hiện diện của khách du lịch ít hơn, nhưng cũng có thể là do công dân của họ đi du lịch ít hơn, ít nhất là đến các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta. 

Giáo sư Speybroeck nhấn mạnh đỉnh điểm dịch tễ học xảy ra muộn hơn ở khu vực này của châu Âu, có thể đã tạo ra khả năng miễn dịch tự nhiên gần đây trong dân chúng. Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra rằng số lượng xét nghiệm được thực hiện thấp hơn ở Đông Âu so với Tây Âu. Chẳng hạn như Bỉ thực hiện 4.360 xét nghiệm trên 100.000 dân vào tuần trước, trong khi đó, Bulgaria chỉ thực hiện 1.415 xét nghiệm.

Bất chấp điều đó, biến thể Delta vẫn đang dần lan rộng khắp EU, giờ đây thậm chí còn có mặt tại Slovenia, Slovakia, Ba Lan, Estonia và Latvia. Các nhà chức trách đang nỗ lực tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Theo The Wall Street Journal, ở Vương quốc Anh, quốc gia có 90% dân số được tiêm chủng và nơi có biến thể Delta chiếm đa số, số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, nhưng số ca tử vong đang giảm.

Theo New York Times, dữ liệu sơ bộ thu thập được ở một số bang của Mỹ trong sáu tháng qua cho thấy 99,5% số người chết vì COVID-19 đã không được tiêm phòng. Do đó, Giáo sư Speybroeck nhấn mạnh mùa Thu sẽ là một thử nghiệm cho một số quốc gia, với hy vọng các bệnh viện sẽ không phải tiếp nhận ồ ạt các ca mắc.

* Tái phong tỏa hay sống chung với virus?

Giáo sư Speybroeck nhận xét một số quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Các chính phủ ngày càng dựa nhiều hơn vào giấy chứng nhận sức khỏe, để bảo đảm các quyền tự do cho những người đã được tiêm phòng và vực dậy ngành du lịch. Mặc dù việc sử dụng "giấy thông hành" này khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào nền văn hóa, các bài học kinh nghiệm rút ra từ đại dịch và từ tình hình dịch tễ học hiện tại, sự khác biệt này có thể sớm hay muộn, ảnh hưởng đến việc di chuyển tự do của người dân trong khối Schengen.

Do đó, các quốc gia thành viên có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ không thể đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh mới có thể xảy ra theo cách tương tự. Cuối cùng, nhiều khả năng một số quốc gia châu Âu sẽ học cách sống chung với COVID-19, trong khi những quốc gia khác buộc phải tái phong tỏa, do sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong. 

Điều này có thể cản trở sự phục hồi kinh tế ở một số quốc gia, ngay cả khi EU đưa ra gói kích thích trị giá 750 tỷ euro phân bổ cho các nước thành viên nhằm giảm thiểu hậu quả của đại dịch và đạt được các mục tiêu kỹ thuật số và khí hậu của châu Âu. Giờ đây, sự thống nhất của toàn EU và năng lực của 27 quốc gia giúp toàn khối đối phó với đại dịch đang là một thách thức lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục