Các quan chức y tế tại châu Âu đang thảo luận liệu có nên áp dụng cách thức mà nước Mỹ đã thực hiện nhằm tận dụng tối đa nguồn cung vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ hay không, trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang kêu gọi các nước cung cấp thêm dữ liệu liên quan.
Theo WHO và các cơ quan y tế của các quốc gia, hiện nguồn cung vaccine Imvanex của công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic (Đan Mạch) - vaccine duy nhất được cấp phép sử dụng phòng bệnh đậu mùa khỉ - đang khan hiếm. Ngày 9/8, Mỹ đã ủng hộ sử dụng 1 lọ vaccine tiêm 5 mũi - thay vì chỉ tiêm 1 mũi duy nhất - bằng cách tiêm một lượng nhỏ vaccine dưới da.
Cách "tiết kiệm liều lượng" này đã từng được thử nghiệm trước đây với các loại vaccine khác, trong đó có vaccine phòng bệnh bại liệt và bệnh sốt vàng da. Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), dữ liệu thu thập được trong một nghiên cứu lâm sàng năm 2015 cho thấy có thể áp dụng phương pháp tiêm tiết kiệm liều lượng mà không ảnh hưởng đến tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, cho đến nay, bằng chứng về hiệu quả của phương pháp này đối với việc phòng bệnh đậu mùa khỉ vẫn còn ở mức hạn chế.
Một người phát ngôn của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết EMA sẽ thảo luận về khả năng áp dụng cách tiếp cận tiết kiệm liều lượng, cũng như thảo luận chiến lược này với nhà sản xuất Bavarian Nordic và các quốc gia châu Âu.
Giáo sư Adam Finn tại Đại học Bristol cho rằng phương pháp tiết kiệm liều vaccine là điều dễ hiểu trong bối cảnh nguồn dự trữ vaccine thực sự là một mối lo ngại tiềm tàng trong trường hợp bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch.
Hiện Bavarian Nordic chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, qua hòm thư điện tử gửi tới hãng tin Reuters (Anh), một người phát ngôn của hãng cho biết WHO khuyến khích sử dụng các vaccine trong khuôn khổ các thử nghiệm giúp thu thập thông tin liên quan cần thiết cho đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.
[Mỹ điều chỉnh tiêm, Brazil mua 50.000 liều vaccine ngừa đậu màu khỉ]
Trong khi đó, một số chính phủ ở châu Âu đang thực hiện các bước đi khác nhằm có thêm nguồn cung vaccine. Tại Anh, nhà chức trách y tế hiện chỉ thực hiện tiêm một mũi vaccine trong lộ trình tiêm 2 mũi cho những người có nguy cơ cao nhất, như một biện pháp tạm thời để tối thiểu tạo khả năng bảo vệ cho càng nhiều người càng tốt.
Hiện chưa rõ liệu một trong hai cách tiếp cận nêu trên có giúp thu được hiệu quả bảo vệ phù hợp phòng bệnh đậu mùa khỉ hay không. Bệnh này thường ở dạng nhẹ hoặc trung bình.
Người mắc bệnh thường có triệu chứng giống cúm, với các nốt phồng rộp đặc trưng trên da. Bệnh đậu mùa khỉ vốn là một bệnh lưu hành phổ biến ở khu vực Trung và Tây Phi từ nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, lần đầu tiên có nhiều ca mắc bệnh này được ghi nhận bên ngoài khu vực này vào tháng 5 năm nay. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, 27.800 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trên thế giới, trong đó có 12 ca tử vong./.