Châu Á trụ vững trước biến động của kinh tế châu Âu

Các nền kinh tế châu Á có thể dùng các gói kích thích tài chính để tự bảo vệ mình trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu.
Trong báo cáo mới nhất ngày 22/11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định hầu hết các nền kinh tế châu Á có thể trụ vững trước các biến động kinh tế gây sốc từ châu Âu.

Theo WB, các nền kinh tế châu Á có thể sử dụng các gói kích thích tài chính để tự bảo vệ mình trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đang ngày càng trầm trọng và tác động tiêu cực đến châu Á.

Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trừ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm 2012 sau khi dự kiến tăng 8,2% trong năm nay.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á đã chuyển trọng tâm từ ngăn chặn lạm phát sang bảo vệ tăng trưởng, trong bối cảnh thảm họa nợ của châu Âu và nền kinh tế trì trệ của Mỹ làm tăng nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới sẽ tác động mạnh mẽ đến châu Á thông qua dòng tài chính, buôn bán, kiều hối, giới đầu tư và người tiêu dùng.

[Khủng hoảng nợ công đang lan tới trung tâm châu Âu]


Trong khi các quy chế mới về vốn đang được áp dụng ở châu Âu sẽ ngăn chặn khả năng các ngân hàng châu Âu đổ tín dụng vào châu Á, bất chấp các ngân hàng quốc tế đã giảm tín dụng đối với các công ty Đông Á tới 36 tỷ USD từ giữa năm 2008 đến quý 1/2009, các nguồn dự trữ ngoại tệ cao và thặng dư tài khoản vãng lai ở hầu hết các nước Đông Á sẽ bảo vệ các nền kinh tế các nước này khỏi tác động của nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới.

Trong tháng 11 này, Australia và Indonesia đã giảm lãi suất trong khi Philippines thúc đẩy gói kích thích tài chính mới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu của WB, các ngân hàng châu Âu đang là chủ nợ của 427 tỷ USD của các nước đang phát triển ở Đông Á. Các nền kinh tế mới nổi châu Á cảm nhận được tác động của thảm họa nợ của châu Âu từ tháng Chín và họ đã buộc phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào để hạn chế tác động này.

Vào giữa năm 2011, dự trữ ngoại tệ của các nước Đông Á tương đương với 50,4% tổng sản phẩm nội địa (GDP), đủ để thỏa mãn 8-9 tháng nhu cầu nhập khẩu. Tuy nhiên, WB cảnh báo các nhà hoạch định chính sách châu Á cần hành động thận trọng chống lại các nguy cơ ngắn hạn đối với tăng trưởng và khả năng dễ bị tổn thương kéo dài thường song hành với nền kinh tế quá nóng.

Để giảm nguy cơ tổn thương do lãi suất tiếp tục giảm thấp, nới lỏng chính sách tài chính trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ là biện pháp thích hợp nhất để bảo vệ nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục