Các nước thúc đẩy truyền thông xã hội chống chủ nghĩa cực đoan

Châu Á thúc đẩy truyền thông xã hội chống chủ nghĩa cực đoan

Hơn 20 nước châu Á đã nhất trí sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chống lại chủ nghĩa cực đoan, hiện đang là nguy cơ đáng báo động trong khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano. (Ảnh: Vịnh Bình/TTXVN)

Theo bản dự thảo chuẩn bị trước cho Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra vào ngày 7/8 tới, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) đang diễn ra tại Manila, hơn 20 nước châu Á đã nhất trí sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chống lại chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.

Hãng tin Reuters ngày 5/8 cho biết bản dự thảo phản ánh những vấn đề sẽ được thảo luận tại ARF và khẳng định "các bộ trưởng lên án mạnh mẽ các hành động khủng bố dưới mọi hình thức xảy ra trong thời gian qua", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng toàn bộ và hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội để chống lại việc truyền bá các tư tưởng, kích động hành động khủng bố trên mạng Internet.

Các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN và 17 nước đối tác - đối thoại đã kỳ vọng sẽ hình thành một cơ chế khu vực để giải quyết mối đe dọa an ninh, trong đó, ARF sẽ thảo luận về việc hình thành một cơ chế để tăng cường các nỗ lực về an ninh công nghệ truyền thông thông tin, vấn đề mà Nhật Bản, Malaysia và Singapore đã tình nguyện đi đầu.

Philippines - nước chủ nhà AMM 50 - đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hoạt động truyền bá tư tưởng cực đoan trên mạng. Giới chức nước này cho biết hệ tư tưởng cực đoan theo Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang chiếm lĩnh tại khu vực miền Nam nước này.

Các nhóm thánh chiến địa phương đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một phương tiện chính để tuyển mộ các tay súng, trong đó bao gồm cả các công dân Indonesia, Singapore và Malaysia.

Hơn hai tháng qua, quân đội Philippines phải đương đầu với chiến binh Hồi giáo, đang chiếm đóng một số khu vực chính tại Marawi, thành phố lớn của người Hồi giáo ở miền Nam nước này. Các cuộc giao tranh đã khiến gần 700 người thiệt mạng và hơn 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Một quan chức ngoại giao Philippines cho rằng các bộ trưởng ASEAN đã sẵn sàng hành động vì các đối tượng thánh chiến đang sử dụng mạng truyền thông xã hội để gieo rắc tư tưởng cực đoan, tuyển mộ và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Theo vị quan chức này, chúng đang phát tán các video bạo lực trên các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, và liên lạc qua ứng dụng nhắn tin Telegram, do đó, các nước ASEAN đã quyết định đối phó với mối đe dọa này thông qua thiết lập các nền tảng tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục