Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên tại một số nền kinh tế phương Tây, châu Á, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành động lực của tăng trưởng toàn cầu và phát triển bền vững.
Đây là nhận định của giới quan sát quốc tế được hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc phản ánh nhân dịp diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng của Việt Nam.
Người đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và Diễn đàn Đông Á thuộc Trường Chính sách công Crawford của Đại học Quốc gia Australia Peter Drysdale nhấn mạnh châu Á là yếu tố trung tâm của nền kinh tế thế giới và là điểm tập trung sự quan tâm của thế giới công nghiệp.
Trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực nhộn nhịp nhất thế giới về thương mại và kinh tế. Trong bối cảnh phương một số nước phương Tây đang thiên về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chống lại xu hướng toàn cầu hóa, cách thức châu Á-Thái Bình Dương đối phó với tình hình mới là chìa khóa cho tương lai của toàn cầu hóa.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Ban thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) Alan Bollard cho rằng Hội nghị cấp cao APEC là cơ hội để lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thu thập ý kiến và thảo luận về chương trình nghị sự kinh tế.
Trong vòng chưa đầy ba thập niên, APEC với 21 nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường kết nối.
[Phát triển bao trùm trong APEC để không ai bị bỏ lại phía sau]
Theo ông Bollard, bằng cách quy tụ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc, và một số nền kinh tế nhỏ khác, APEC có thể tận dụng lợi thế từ sự khác biệt của những nền kinh tế khác nhau.
Hai chuyên gia trên cũng đề cập đến các cơ chế hợp tác khác trong khu vực, đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á.
Theo giáo sư Drysdale, các nền kinh tế trong khu vực cần phải củng cố tự do hóa thương mại thông qua qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại quy mô lớn mà 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu đối tác đối thoại kỳ vọng sẽ đạt được trong vài năm tới.
Ông Drysdale cũng hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippines sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể trong đàm phán về RCEP.
Ông Drysdale nhấn mạnh điều quan trọng là thúc đẩy tiến bộ trong đàm phán RCEP, đồng thời cho rằng hiệp định này có vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ thống toàn cầu, cũng như mang lại sự tự do hóa và cải cách cho các nền kinh tế châu Á.
Về phần mình, ông Bollard mong đợi Khu vực Tự do Thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) sẽ được hiện thực hóa trong các cuộc họp của Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Bằng cách bao gồm tất cả các nền kinh tế APEC, FTAAP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 57% nền kinh tế thế giới và gần một nửa thương mại toàn cầu./.