Châu Á-Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho tham vọng khí hậu toàn cầu?

Châu Á-Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho tham vọng khí hậu toàn cầu

Nếu không có hành động phối hợp, carbon trung tính sẽ nằm ngoài tầm với của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2050. Các bên liên quan cần quyết tâm cho hành động khí hậu mang tính quyết định.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang eurasiareview.com, khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc châu Á và Thái Bình Dương đến Glasgow tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), họ biết chắc chắn rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm chú ý: nhiều quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu đều thuộc khu vực này; bảy thành viên của khu vực này thuộc nhóm G20 chịu trách nhiệm về hơn một nửa lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu; và 5 trong số 10 quốc gia chịu trách nhiệm lớn nhất về khí thải kể từ đầu thế kỷ XX đến từ châu Á.

Nâng cao tham vọng - nhu cầu cấp thiết

Tuy nhiên, xuất phát điểm này không phải là lợi thế. Một nghiên cứu chung của ESCAP, UNEP và UN Women cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang tụt hậu trong các nỗ lực của họ: lượng phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ tăng 34% vào năm 2030 so với mức của năm 2010.

Việc đảm bảo để 30 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương cho đến nay đã cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của họ theo hướng gia tăng đáng kể mục tiêu và việc đảm bảo NDC đầy đủ từ 19 quốc gia còn lại chưa cập nhật tham vọng sẽ quyết định liệu khu vực - thực tế là thế giới - có thể duy trì hy vọng giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C hay không.

Xây dựng động lực cho hành động khí hậu

Có một số lý do để hy vọng. Các nhà lãnh đạo đã sắp xếp để thực hiện các cam kết về carbon trung tính, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa cam kết đến hành động trong các lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của khu vực.

Với việc các công ty lớn đang dần rút các khoản đầu tư nước ngoài vào ngành than, động lực đang được xây dựng để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Tỷ lệ năng lượng tái tạo ngày càng tăng và trong tương lai, chúng ta nên hỗ trợ tăng cường kết nối năng lượng tiểu vùng và khu vực để cho phép tích hợp tỷ trọng năng lượng tái tạo cao hơn.

Tuy nhiên, cần tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà xuất khẩu để loại bỏ việc dự trữ than và nhiên liệu hóa thạch sinh lợi, được hỗ trợ bởi các chiến lược phát triển dài hạn, ít phát thải (LT-LEDS).

Sự chuyển dịch sang phương tiện giao thông bền vững diễn ra chậm chạp, nhưng việc sử dụng xe ôtô điện (EV) đang gia tăng. Các nước cũng đang nhấn mạnh tính trung tính carbon thấp trong một kế hoạch hành động khu vực mới đang được đàm phán trước Hội nghị cấp bộ trưởng Giao thông vận tải vào cuối năm nay. Các cam kết của chính quyền địa phương đối với tính trung hòa carbon cũng hỗ trợ việc phủ xanh các thành phố.

[Dự báo phát thải CO2 toàn cầu năm 2021 tăng lên gần mức cao kỷ lục]

Chỉ số Thương mại và Đầu tư thông minh cho khí hậu của ESCAP (SMARTII) và cơ chế điều chỉnh hạn ngạch carbon cho thấy các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương có nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch thương mại và đầu tư của họ thông minh hơn đối với khí hậu.

Ngày càng nhiều quốc gia đưa các điều khoản liên quan đến khí hậu và môi trường vào các hiệp định thương mại. Những ý kiến khác yêu cầu dán nhãn hiệu quả năng lượng và các tiêu chuẩn nhập khẩu.

Việc số hóa các quy trình thương mại hiện tại cũng giúp giảm lượng khí thải CO2 trên mỗi giao dịch và cần được đẩy mạnh, bao gồm cả thông qua Hiệp ước của Liên hợp quốc tại khu vực về tạo thuận lợi thương mại không giấy tờ xuyên biên giới.

Mạng lưới Doanh nghiệp Bền vững ESCAP đang xây dựng một thỏa thuận thương mại Xanh châu Á-Thái Bình Dương nhằm theo đuổi lợi thế cạnh tranh “xanh,” khi các công ty đối phó với áp lực ngày càng lớn từ cổ đông và người tiêu dùng đối với các mục tiêu dựa trên khoa học nhằm gắn kết doanh nghiệp với những tham vọng về khí hậu.

Các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các ngành công nghiệp lớn trong khu vực có thể áp dụng mô hình mới này, điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia đáp ứng các cam kết của họ về phát triển bền vững.

Hỗ trợ tham vọng bằng sức mạnh tài chính

Hành động khí hậu đầy tham vọng như vậy sẽ đòi hỏi phải phân bổ lại tài chính và đầu tư hướng tới các ngành công nghiệp xanh và việc làm trong tương lai.

Các công cụ tài chính sáng tạo và việc thực hiện hoán đổi "nợ khí hậu" có thể giúp huy động nguồn tài chính bổ sung này. Định giá carbon và áp dụng các công cụ định giá carbon sẽ tạo ra tính thanh khoản để thúc đẩy hoạt động kinh tế và giảm lượng khí thải. Công khai tài chính bắt buộc liên quan đến khí hậu sẽ giúp các nhà đầu tư hướng đầu tư của họ vào các giải pháp hành động khí hậu giúp quản lý rủi ro liên quan các vấn đề khí hậu.

Hành động lấy con người làm trung tâm, tập trung vào các nhóm trong các tình huống dễ bị tổn thương

Rõ ràng khoa học và tần suất thảm họa thiên tai trong khu vực không đứng về phía chúng ta. Sự kết hợp của thiên tai, đại dịch và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng số người dễ bị tổn thương và làm tăng “cảnh giác rủi ro.”

Các quốc gia không chuẩn bị tốt cho các cuộc khủng hoảng chồng chéo, phức tạp; sự bùng phát đại dịch COVID-19 cùng với các hiểm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu vẫn chưa được hiểu rõ và làm phát sinh các điểm nóng về rủi ro mới nổi và ngày càng gia tăng.

Xây dựng khả năng chống chịu phải kết hợp các nỗ lực giảm thiểu khí hậu và đầu tư vào các giải pháp khí hậu dựa vào thiên nhiên. Ngoài ra, nó cũng đòi hỏi phải tăng cường đầu tư vào các hệ thống bảo trợ xã hội phổ cập nhằm mang lại lợi ích đầy đủ suốt đời cho người dân và hộ gia đình. Sự tham gia tích cực của phụ nữ và trẻ em gái là điều cần thiết để đảm bảo hành động vì khí hậu toàn diện và các kết quả bền vững.

Con đường phía trước

Nếu không có hành động phối hợp, carbon trung tính sẽ nằm ngoài tầm với của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2050. Tất cả các bên liên quan cần hợp tác và xây dựng một quyết tâm cho các hành động khí hậu mang tính quyết định. Các nhà lãnh đạo của chúng ta chỉ đơn giản là không thể đến Glasgow với tham vọng nghèo nàn và trở về tay trắng.

Kể từ khi được thành lập cách đây gần 75 năm, ESCAP đã hỗ trợ việc hình thành các liên minh chiến lược giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và hướng dẫn khu vực tạo ra một tiêu chuẩn sống tốt hơn.

Đã đến lúc thích hợp để một liên minh giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính biến toàn bộ sức mạnh của sự khéo léo và năng động của khu vực thành con đường phát triển “net zero” (không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển) vốn quyết định tương lai của chúng ta./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục