Châu Á-Thái Bình Dương chung tay chống sốt rét

Ngày 11/10, 18 nhà lãnh đạo cấp cao đã thông qua việc thành lập Liên minh các nhà Lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương chống bệnh sốt rét.
Cùng có mặt tại Brunei để tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hàng năm, ngày 11/10, 18 nhà lãnh đạo cấp cao đã thông qua việc thành lập Liên minh các nhà Lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương chống bệnh sốt rét (APLMA) để đoàn kết các quốc gia đồng thời thúc đẩy sự phối hợp và lãnh đạo chính trị của khu vực nhằm chống lại căn bệnh này.

Các thành viên ban đầu của APLMA’s bao gồm nguyên thủ của các quốc gia Australia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Australia và Việt Nam sẽ là đồng chủ tịch của liên minh APLMA.

Với vai trò Ban thư ký, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ hỗ trợ tư vấn các đồng chủ tịch, rà soát những tiến bộ của khu vực, tổ chức các cuộc họp khu vực và đạt được các kết quả thông qua hai nhóm công tác đặc biệt của APLMA.

APLMA đặt mục tiêu giảm 75% số ca bệnh và tỷ lệ tử vong vì sốt rét vào năm 2015 cũng như ngăn chặn khả năng lan rộng các hình thức kháng thuốc của ký sinh trùng thông qua việc mở rộng cuộc đấu tranh chống lại căn bệnh này ra ngoài phạm vi của lĩnh vực y tế sang các lĩnh vực khác như trao đổi thương mại khu vực, giao thông vận tải, xuất nhập cảnh và các ngành sản xuất gắn với khu vực nông thôn như là nông nghiệp, khai khoáng và lâm nghiệp.

Ông Takehiko Nakao, Chủ tịch ADB, cho biết bên cạnh những tổn thất về người thì những tổn thất về kinh tế và xã hội do bệnh sốt rét gây ra cũng rất to lớn tại những quốc gia mà căn bệnh này đã trở thành nạn dịch.

Bệnh sốt rét, đặc biệt là sự xuất hiện của bệnh sốt rét kháng thuốc artemisinin, là một thách thức lớn đối với sự phát triển, đòi hỏi phải củng cố sự phối hợp trong khu vực, tăng cường những giải pháp bền vững và một nguồn tài chính có thể dự báo được.

Hoạt động di cư dịch chuyển ngày càng nhiều của con người, việc xuất hiện tràn lan những loại thuốc chống sốt rét lậu có chất lượng thấp và những biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước căn bệnh sốt rét.

Căn bệnh này vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong và bệnh tật chính ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với khoảng 36 triệu ca nhiễm bệnh và 49.000 trường hợp tử vong hàng năm.

Hai nhóm công tác đặc biệt của APLMA cũng sẽ được thành lập. Nhóm Công tác về Tài chính Khu vực sẽ nghiên cứu các phương án để có những cơ chế tài chính bền vững, đảm bảo rằng nguồn vốn cho cuộc chiến chống lại căn bệnh sốt rét được đảm bảo vững chắc trong công tác chống sốt rét. Thông thường các nguồn vốn này sẽ giảm đi khi số lượng ca nhiễm bệnh đã giảm xuống, khiến cho khu vực lại trở nên dễ bị tổn thương với căn bệnh này.

Trong khi đó, Nhóm Công tác về Nâng cao Khả năng Tiếp cận các loại thuốc chất lượng và các công nghệ khác có nhiệm vụ tăng cường năng lực sản xuất của khu vực cũng như khả năng tiếp cận các loại thuốc đảm bảo chất lượng, giảm việc sử dụng và phổ biến các loại thuốc chống sốt rét có chất lượng thấp, được sử dụng không đúng cách làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Hiện tại, sự xuất hiện của những dòng bệnh sốt rét kháng thuốc đang là mối lo ngại không chỉ của khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Việc áp dụng phổ biến phương pháp điều trị kết hợp dựa trên artemisinin (ACT) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng của bệnh sốt rét đối với toàn cầu trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả của những loại thuốc hàng đầu này đang bị de dọa bởi việc xuất hiện ký sinh trùng kháng artemisinin, thành phần chính trong phương pháp điều trị này.

Hiện tượng kháng artemisinin hiện tại đang chỉ giới hạn trong khu vực Tiểu vùng Mekong Mở rộng nhưng trong bối cảnh mức độ dịch chuyển của người dân trong khu vực đang ngày càng tăng, phạm vi địa lý của vấn đề này có thể mở rộng một cách nhanh chóng, mang tới nguy cơ về an ninh y tế đối với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên toàn cầu khi bệnh sốt rét tiếp tục lan truyền.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 219 triệu ca sốt rét trên thế giới mỗi năm, gây ra khoảng 660.000 trường hợp tử vong, đa phần là ở khu vực cận Sahara ở châu Phi.

ADB, có trụ sở chính tại Manila (Philippines), hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực.

Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2012, ADB đã hỗ trợ tổng cộng 21,6 tỷ USD, trong đó có 8,3 tỷ USD đồng tài trợ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục