Châu Á sẽ là địa chỉ sản xuất chip hàng đầu thế giới trong nhiều năm tới

Theo chuyên gia, ngay cả khi các nhà máy chip mới ở châu Âu và Mỹ được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế, tốc độ tăng trưởng công suất sản xuất chất bán dẫn ở châu Á vẫn nhanh hơn.
Châu Á được nhận định là nơi sản xuất chip hàng đầu trong nhiều năm tới. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)

Ông Christophe Fouquet, Giám đốc điều hành nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn, nhận định việc đẩy mạnh sản xuất chip ở các nước châu Âu, Mỹ khó có thể thay đổi cán cân quyền lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, vốn đang nghiêng về châu Á.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Nikkei Asia tại trụ sở ASML ở Veldhoven, Hà Lan, ông Fouquet cho rằng châu Âu và Mỹ cần làm nhiều hơn thay vì chỉ xây dựng các nhà máy chip được trợ cấp để tạo ra tác động thực sự đến cục diện ngành.

Theo ông Fouquet, để phát triển hệ sinh thái bền vững, cần cân nhắc kỹ lưỡng về chi phí và tính linh hoạt trong dài hạn. Không thể chỉ dựa vào các ưu đãi, mà phải đảm bảo chi phí và tính linh hoạt phù hợp để đảm bảo sự thành công.

Ông Fouquet nhấn mạnh lợi thế chính của châu Âu trong lĩnh vực chip nằm ở nguồn nhân lực kỹ thuật giỏi và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà máy chip mới ở châu Âu và Mỹ được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế, tốc độ tăng trưởng công suất sản xuất chất bán dẫn ở châu Á vẫn nhanh hơn.

Ông dự đoán khu vực này sẽ vẫn là nơi sản xuất hàng đầu trong "nhiều năm tới."

Năm 2023, châu Á chiếm 84% doanh thu của ASML, với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Mỹ và châu Âu chiếm lần lượt là 12% và 4% doanh thu của công ty.

Trước đây, ông Fouquet, 51 tuổi, từng làm việc cho các nhà cung cấp thiết bị chip Applied Materials và KLA trước khi gia nhập ASML vào năm 2008. Đối với cả hai công ty cũng như các nhà cung cấp công cụ sản xuất chip quan trọng khác như Lam Research và Tokyo Electron, châu Á vẫn là thị trường hàng đầu.

Chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip từ lâu được coi là thước đo quan trọng của triển vọng nhu cầu chip trong tương lai và tăng trưởng năng lực sản xuất.

Tổ chức thương mại ngành công nghiệp SEMI tính toán rằng Trung Quốc có thể đã chi tiêu nhiều hơn cho thiết bị chip trong nửa đầu năm so với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Mỹ cộng lại trong bối cảnh Trung Quốc tích trữ hàng hóa trước khi dự kiến siết chặt các hạn chế xuất khẩu của phương Tây.

Tuy nhiên, tổ chức này dự báo rằng chi tiêu cho thiết bị sản xuất của Trung Quốc sẽ chậm lại đến năm 2027, còn Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á tăng cường đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục