Châu Á - Miền đất hứa của đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin

Châu Á chiếm 791 tỷ USD trong số 1.170 tỷ USD giá trị Bitcoin được giao dịch trong tháng Hai, bỏ xa các nhà đầu tư ở Bắc Mỹ với khối lượng giao dịch 113 tỷ USD.

Nhà đầu tư theo dõi biểu đồ giá bitcoin tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Nhà đầu tư theo dõi biểu đồ giá bitcoin tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo dữ liệu giao dịch tiền số từ The Block, giới đầu tư ở châu Á là động lực phía sau đà khởi sắc mạnh mẽ của Bitcoin thời gian gần đây, khi chiếm đến gần 70% khối lượng giao dịch Bitcoin, gần giống với năm 2021 khi đồng tiền này chạm các mức cao lịch sử.

Châu Á chiếm 791 tỷ USD trong số 1.170 tỷ USD giá trị Bitcoin được giao dịch trong tháng Hai, bỏ xa các nhà đầu tư ở Bắc Mỹ với khối lượng giao dịch 113 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, tâm lý FOMO (Hội chứng sợ bỏ lỡ) đã chế nhự các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn đang thất vọng với thị trường chứng khoán ảm đạm.

Trên ứng dụng nhắn tin phổ biến ở nước này WeChat, số lượt tìm kiếm cụm từ "Bitcoin" đã tăng gấp 12 lần trong tháng Hai.

Bitcoin đã tăng vượt ngưỡng 69.200 USD trong phiên 5/3, phá vỡ mức cao kỷ lục từng ghi nhận vào tháng 11/2021, sau khi tăng 160% kể từ tháng 10 năm ngoái, chủ yếu là do Mỹ phê duyệt các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay.

Quỹ iShares của BlackRock là một bên được hưởng lợi lớn từ dòng vốn đầu tư chảy vào các quỹ này.

Giới giao dịch cũng đổ vào đồng tiền số lớn nhất thế giới trước thềm sự kiện “halving” được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng Tư tới.

Bitcoin Halving hay còn gọi là chia đôi khối là quá trình giảm tốc độ tạo ra tiền mã hóa mới.

Thuật ngữ “halving” còn có thể hiểu là quá trình giảm phân nửa số tiền thưởng cho miner (thợ đào) khi khai thác một khối Bitcoin mới.

Sự kiện này có thể làm giảm nguồn cung và đẩy giá Bitcoin lên cao. Nguồn cung Bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu đồng, trong đó 19 triệu đồng đã được đào.

Tính pháp lý của việc giao dịch và sở hữu Bitcoin ở các nước châu Á có sự khác nhau.

Trong khi Nhật Bản có các quy định khá tự do trong lĩnh vực này thì Trung Quốc lại cấm giao dịch Bitcoin.

Hàn Quốc nói không với các quỹ ETF Bitcoin giao ngay, nhưng các nhà môi giới trong nước vẫn có cách để giới đầu tư tiếp cận với các quỹ ETF Bitcoin kỳ hạn.

Người dân Hàn Quốc đã đầu tư ròng 23,4 triệu USD vào quỹ ETF 2X Bitcoin Strategy của Mỹ trong năm nay, gần bằng mức 25,1 triệu USD trong cả năm 2023, theo Trung tâm lưu ký Hàn Quốc.

Trong tháng Hai, giới giao dịch nước này cũng đầu tư 6,89 triệu USD vào quỹ ETF Proshares Bitcoin Strategy.

Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) đã hợp pháp hóa hoạt động giao dịch tiền số vào năm ngoái. Quỹ ETF Bitcoin kỳ hạn lớn nhất của Hong Kong đã ghi nhận lượng tài sản do quỹ này quản lý tăng gấp năm lần trong 5 tháng qua lên hơn 100 triệu USD.

Sự quan tâm với đồng tiền số này cũng rất lớn tại Ấn Độ, nơi nhiều sàn giao dịch tiền số trong nước hoạt động hợp pháp, nhưng hoạt động giao dịch trên các sàn nước ngoài như Binance và KuCoin lại nhiều hơn, trong khi các sàn này không chịu mức thuế theo dõi giao dịch 1% mà các sàn trong nước phải trả.

Từ tháng 7/2022-7/2023, người dân Ấn Độ giao dịch lượng tiền số trị giá hơn 42 tỷ USD thông qua các nền tảng tiền số nước ngoài, chiếm hơn 90% tổng khối lượng giao dịch của người dân nước này, theo ước tính của Esya Centre./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục