Châu Á là "mặt trận chính" trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

Khoảng 90% số ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn thuộc Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Châu Á là "mặt trận trọng tâm" trong cuộc chiến toàn cầu nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí, vốn là nguyên nhân gây ra 5 triệu ca tử vong mỗi năm.

Bởi vậy, Liên hợp quốc ngày 21/3 đã kêu gọi nghiêm túc thực hiện các biện pháp để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí tại các nước châu Á.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người.

Khoảng 90% số ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn thuộc Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

WHO cho biết mức độ ô nhiễm không khí đã tăng hơn 5% trong giai đoạn từ năm 2008-2013 tại hơn 2/3 số thành phố ở Đông Nam Á.

Lý giải vấn đề này, Giám đốc điều hành Scheuch Asia, công ty chuyên phát triển và sản xuất các công nghệ làm sạch môi trường, Andreas Kock cho rằng việc giảm phát thải không được coi là bắt buộc ở châu Á và không được thực thi nghiêm túc.

Theo ông Kock, nhiều quốc gia tại khu vực này không đầu tư các công nghệ giảm ô nhiễm môi trường vì không phải chịu sức ép.

Trong khi đó, theo ông Karin Hulshof, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của tình trạng ô nhiêm này, khoảng 300 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang phải sống ở những nơi không khí độc hại, rất nhiều trẻ em đã bị mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Dechen Tsering cho rằng phát triển kinh tế không có nghĩa là phải sống trong một thành phố có chất lượng không khí kém.

Theo ông, cần phải áp dụng công nghệ và đầu tư chi phí trong cuộc chiến giảm tình trạng ô nhiễm không khí.

Các thành phố lớn, như Bangkok, cần phải xây dựng mạng lưới giao thông công cộng toàn diện và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện này, bên cạnh đó là sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường, như xe đạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục