Châu Á đang trên đường trở thành một "lục địa già" sau châu Âu và Mỹ

Tiếp theo châu Âu và Mỹ, châu Á đang trên đường trở thành một "lục địa già" đúng nghĩa về dân số, đặc biệt là ở Đông Á, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục đông dân nhất thế giới.

Tiếp theo châu Âu và Mỹ, châu Á đang trên đường trở thành một "lục địa già" đúng nghĩa về dân số, đặc biệt là khu vực Đông Á.

Diễn biến này cũng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục đông dân nhất thế giới, phản ánh điều kiện sống ngày càng được cải thiện cũng như sự phát triển của khoa học, y học, giáo dục. Tuy nhiên, thực tế này đặt ra nhiều thách thức về kinh tế-xã hội cho hiện tại và tương lai.

Với các quốc gia đang già hóa, trước xu thế tất yếu này, điều quan trọng là đảm bảo sự phát triển của xã hội dân số già trong tương lai, để tuổi thọ cao không phải gánh nặng mà trở thành động lực.

Thêm một “lục địa già”

Những số liệu thống kê dân số năm 2023 của một loạt nước châu Á công bố từ đầu năm đến nay đã báo động tình trạng tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và đang ở mức thấp kỷ lục, cho thấy xu hướng già hóa diễn ra ngày càng nhanh tại châu lục đông dân nhất thế giới.

Dân số già trở thành câu chuyện chung của nhiều quốc gia, từ những nền kinh tế hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, đến những nước đang phát triển như Thái Lan. Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất và được dự báo sẽ trở thành xã hội già vào năm 2036.

Theo báo cáo về thay đổi nhân khẩu học tại châu Á do Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) thực hiện, dân số khu vực này đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Nhiều nước trong khu vực chỉ mất từ 20-25 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng dân số tăng từ 7% lên 14%, trong khi đa số các nước châu Âu phải mất ít nhất hơn 50 năm mới đạt tốc độ như vậy.

Dự báo, số người từ 60 tuổi trở lên ở các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng hơn 2 lần, từ 13,6% dân số của năm 2020 lên 25% vào năm 2050. Tuổi thọ cũng tăng, với nhóm cao tuổi nhất (từ 80 tuổi trở lên) được dự báo sẽ chiếm 20% tổng dân số già của khu vực.

Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á thì cho thấy số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2050 sẽ đạt gần 1,3 tỷ người. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ em trong dân số đến năm 2030 được dự báo đạt 21%, giảm từ mức 23% của giai đoạn 1980-2020. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cũng được cho là còn 61% vào năm 2030, giảm so với mức 68% của giai đoạn 1980-2020.

Nếu ở châu Âu, quá trình già hóa dân số diễn ra từ từ và khá đồng đều, ở châu Á có khoảng cách giữa các nhóm nước. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đi đầu của làn sóng già hóa dân số ở châu Á, khi quá trình này bắt đầu từ cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước sau những giai đoạn kinh tế bùng nổ.

Nhóm những nước như Trung Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam bắt đầu sau nhưng có tốc độ già hóa rất nhanh và đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành xã hội già, khi tỷ lệ sinh liên tục sụt giảm. Những nước như Ấn Độ, Indonesia... hiện vẫn được đánh giá là xã hội trẻ nhưng cũng được dự báo sẽ sớm bước vào giai đoạn già hóa.

Tại Nhật Bản, số người từ 75 tuổi trở lên được dự báo sẽ lên tới 22,58 triệu vào năm 2030, chiếm khoảng 20% tổng dân số. Tháng 1/2023, Thủ tướng Fumio Kishida đã phải thừa nhận rằng Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ “liệu có thể tiếp tục hoạt động như một xã hội hay không" khi phải đối mặt với hai mối đe dọa là tỷ lệ sinh giảm và dân số già ngày càng tăng.

Người cao tuổi tập thể dục tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàn Quốc hiện đang có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). 24,5% dân số nước này hiện trên 70 tuổi và vẫn tiếp tục là một lực lượng lao động chính trong xã hội. Đáng chú ý, số người ở độ tuổi 70 cũng đã vượt số người ở độ tuổi 20 vào năm ngoái. Dự báo, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia có độ tuổi trung bình già nhất thế giới vào năm 2044.

Tại Trung Quốc, theo báo cáo của Cục Thống kê quốc gia, tính đến cuối năm 2023, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 15,4% tổng dân số, tăng tới 4% chỉ trong 5 năm. Với cơ cấu này, Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vừa phải và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Trong khi đó, Thái Lan được cảnh báo sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029. Theo dự báo mới nhất của Bộ An ninh và Phát triển con người Thái Lan, với tốc độ như hiện nay, đến năm 2037, tỷ lệ trẻ em của Thái Lan sẽ giảm xuống 14,3%, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 29,85%. Dự báo dân số Thái Lan sẽ giảm một nửa xuống chỉ còn khoảng 32 triệu người trong 60 năm tới.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm hơn 25% dân số Việt Nam. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh.

So với các xã hội già ở châu Âu, điều kiện sống của người cao tuổi châu Á được đánh giá khó khăn hơn, do chênh lệch về trình độ phát triển. Kể từ năm 2000 đến nay, các nước châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận cả tuổi thọ và tuổi thọ sống khỏe mạnh đều tăng, tuy nhiên tuổi thọ trung bình tăng nhanh hơn tuổi thọ sống khỏe mạnh.

Điều này có nghĩa là người già châu Á sống lâu hơn, nhưng phải sống chung với bệnh tật; số người già cần được chăm sóc dài hạn càng tăng lên. Xét từ góc độ thu nhập, một tỷ lệ rất ít người già ở châu Á-Thái Bình Dương sống nhờ vào lương hưu, một phần vì mức độ bao phủ của chính sách lương hưu, phần vì mức lương hưu gần như rất ít. Nguồn thu nhập của những người già chủ yếu là do con cháu chu cấp, nếu không họ phải tự đi làm để trang trải cuộc sống.

Cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, người già ở châu Á ngày càng có xu hướng sống một mình hoặc sống với vợ chồng, thay vì sống chung với đại gia đình như trước đây. Có thể lấy trường hợp của Nhật Bản làm ví dụ.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản công bố trong tháng Tư vừa qua cho thấy người già neo đơn được dự báo sẽ chiếm tới 20% tổng số các hộ gia đình ở nước này vào năm 2050 và trong 30 năm nữa, tỷ lệ hộ gia đình người già độc thân không có con cái dự kiến sẽ tăng lên, người thân của những người già cũng giảm. Thực tế này rõ ràng đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng xã hội. Sự gia tăng dân số già trong khi dân số trẻ giảm không chỉ dẫn đến thay đổi cấu trúc nhân khẩu học, mà còn tác động đáng kể tới kinh tế và xã hội.

Dân số già hóa nhanh chóng cũng tạo gánh nặng cho hệ thống lương hưu, tăng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ và cơ sở hạ tầng dành cho người cao tuổi như chăm sóc sức khỏe, giao thông và phúc lợi xã hội, từ đó đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững. Chính phủ Nhật Bản ước tính, với xu hướng dân số già và giảm đi như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi hằng năm trên đầu người sẽ tăng 75% lên hơn 1.500 USD vào năm 2050 so với mức của năm 2019.

Châu Á đang già đi nhanh chóng, theo đúng nghĩa đen, trong khi những điều kiện, cơ sở cần thiết cho một xã hội già, thậm chí siêu già, cần phải được chuẩn bị trước hàng chục năm. Làm thế nào bắt kịp và chủ động đón nhận “làn sóng bạc” đang là bài toán đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia tại châu lục này.

Đón đầu cơ hội

Những thay đổi về cấu trúc dân số trong xã hội già hóa đang dần biến người cao tuổi thành một bộ phận ngày càng quan trọng trong lực lượng lao động, đồng thời cũng tạo ra nhiều lĩnh vực, hoạt động kinh tế xã hội mới.

Trong bối cảnh xu hướng già hóa không thể đảo ngược, các nước châu Á đang tìm những cách thức để thích ứng, đón nhận những chuyển biến mới, trong đó người cao tuổi được coi là động lực thay vì gánh nặng. Nhằm làm chậm lại tiến trình già hóa, các nước hiện chú trọng vào các biện pháp tăng tỷ lệ sinh - vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng già hóa nhanh chóng hiện nay.

Người cao tuổi tại Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Hàn Quốc, nhiều phụ nữ quyết định trì hoãn việc sinh con hoặc quyết định không sinh con vì những lo ngại về công việc và vấn đề tài chính khi nuôi dạy con cái. Chính phủ đã đề xuất nới lỏng tiêu chuẩn hưởng ưu đãi với gia đình đông con, áp dụng cho gia đình có 2 con trở lên, thay vì chỉ 3 con trở lên như trước đây.

Những hộ gia đình này sẽ được xem xét nhiều ưu đãi và hỗ trợ như mua nhà, xe, dịch vụ giáo dục, bảo hiểm thai nhi và sản phụ. Hay như ở Nhật Bản, tháng Hai vừa qua, Nội các nước này đã thông qua dự luật tăng trợ cấp hằng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi; đồng thời hủy bỏ quy định về mức thu nhập đối với các hộ gia đình để được nhận trợ cấp. Khoản trợ cấp cho trẻ em là con thứ ba trở lên sẽ tăng gấp đôi so với trước, lên 30.000 yen/tháng.

Từ tháng 10 năm nay, thiếu niên từ 16-18 tuổi sẽ được nhận trợ cấp 10.000 yen/tháng. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng tăng trợ cấp cho bố, mẹ đơn thân có từ 3 con trở lên mà thu nhập thấp. Thái Lan, đưa vấn đề giải quyết tỷ lệ sinh giảm thành ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc gia, kết hợp với tăng cường chất lượng nguồn nhân lực hiện có thông qua đầu tư vào giáo dục, đào tạo, y tế…

Bên cạnh đó, để thích ứng với xã hội ngày càng nhiều người cao tuổi, các quốc gia đang tìm lời giải nhằm bù đắp những thiếu hụt trong lực lượng lao động do dân số già hóa. Người cao tuổi ngày càng được khuyến khích tiếp tục làm việc, giúp họ không bị phụ thuộc, tự nuôi sống bản thân, thậm chí đóng góp thêm cho xã hội và cho nền kinh tế. Nhật Bản từ năm 2018 đã đưa ra hướng dẫn khuyến khích người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động, thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu trong một số ngành.

Tại Hàn Quốc, năm ngoái, số lượng nhân viên từ 60 tuổi trở lên lần đầu tiên cao hơn những người từ 15 đến 20 tuổi trong ngành sản xuất - vốn được coi là ngành đòi hỏi lao động chân tay nên người trẻ tuổi được đánh giá có nhiều năng lực hơn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng biện pháp này chỉ mang tính tức thời, nhưng không giải quyết được về lâu dài vì năng suất lao động không cao, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số khi người lao động buộc phải có kỹ năng công nghệ-điều mà người cao tuổi có ít trải nghiệm và chuyên môn.

Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch nâng cao kiến thức số cho người cao tuổi trong cả nước, nhằm giúp họ thích nghi và phát triển tốt hơn trong thời đại số, cùng với tránh việc trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo trên mạng. Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người Thái Lan dự định sẽ kết hợp cùng một số tổ chức, trường đại học tổ chức các khóa học về công nghệ dành cho người cao tuổi tại gần 2.460 trường học trên cả nước.

Trong “nền kinh tế tóc bạc,” người cao tuổi không chỉ là lực lượng lao động mà cũng là đối tượng thụ hưởng, tiêu dùng được quan tâm, tạo động lực thúc đẩy nhanh chóng phát triển các sản phẩm dịch vụ dành riêng cho nhóm người này.

Tháng Một vừa qua, Quốc vụ viện Trung Quốc đã lần đầu tiên ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tích cực cung cấp các mặt hàng và mô hình chăm sóc y tế, hỗ trợ người già và cải thiện hệ thống viện dưỡng lão. Nhiều công ty ở nước này vốn chuyên các sản phẩm dành cho trẻ em, nay đã ra mắt nhiều loại sữa và thực phẩm dinh dưỡng dành cho người già. Các nhãn hàng hóa mỹ phẩm cũng lần lượt tung ra thị trường các loại dầu thơm, mặt nạ, kem dưỡng da dành cho những người trên 60 tuổi.

Các công ty công nghệ như Xiaomi và Philips đã giới thiệu các loại robot và thiết bị di động có chức năng theo dõi huyết áp và tự động gọi cấp cứu. Các dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lớn tuổi đang nở rộ tại Trung Quốc để phục vụ nhóm khách hàng có tiền tiết kiệm và muốn tận hưởng cuộc sống.

Ngày càng có nhiều khóa học và hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu cao tuổi ra đời. Các lớp học yoga, ngoại ngữ, nhạc cụ hay rèn trí nhớ và chụp ảnh bằng điện thoại thông minh được nhiều cụ ông, cụ bà ưa chuộng. Các tour du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa, chữa bệnh và an dưỡng cho người già cũng đang trở thành một xu hướng và có tiềm năng rất lớn trong tương lai.

Thái Lan xác định việc dân số già đi mang lại cơ hội sinh lợi cho các doanh nghiệp nước này trong việc điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi. Với nền tảng là các chính sách hỗ trợ người cao tuổi của chính phủ, các doanh nghiệp Thái Lan cũng đang từng bước tự thích ứng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội già hóa, đảm bảo sự kết nối lâu dài và tăng trưởng liên tục.

Châu Á, cũng như các châu lục khác, đang ngày một già đi; đồng thời cũng có nhận thức chính xác hơn về những động lực từ xã hội già hóa, biết cách phát huy những động lực đó để vượt qua áp lực. Cùng với những tiến bộ về khoa học công nghệ, người cao tuổi hoàn toàn có thể sống khỏe, vui, có ích, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội khi các nước chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, chủ động đón đầu cơ hội của "làn sóng bạc"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục