“Chat” với thầy hiệu trưởng xì-tin gây bão nhất năm 2014

Là hiệu trưởng nhưng thầy Bình sẵn sàng chat Yahoo hai tiếng liên tục để giải đáp các thắc mắc của học trò, không ngại dầm mưa cùng các em trong lễ chia tay hay nhảy hiphop sôi động ngày khai trường.
Thầy Nguyễn Quốc Bình đã làm rúng động sân trường với màn nhảy hiphop trong lễ khai giảng năm học mới 2014-2015. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Là hiệu trưởng nhưng sẵn sàng online chat Yahoo hai tiếng liên tục để giải đáp các thắc mắc của học trò, không ngại dầm mưa cùng các em trong lễ chia tay, đặc biệt, màn nhảy hiphop sôi động cùng học sinh trong lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 đã làm cho thầy Nguyễn Quốc Bình, trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội), trở thành một mẫu hiệu trưởng… xì-tin, "hot" nhất năm 2014 và được giới trẻ cực kỳ yêu thích. 

Nếu chỉ tiếp xúc thông thường, khó có thể nghĩ vị hiệu trưởng có vẻ ngoài đạo mạo, cách ăn nói từ tốn, cẩn trọng, nhẹ nhàng ấy lại có thể có sự trẻ trung, sôi nổi, hòa đồng với học sinh đến vậy. Tuy nhiên, nói chuyện với thầy về nghề giáo, nghề… hiệu trưởng, mới thấm thía rằng, với tâm huyết của mình, thầy có thể cởi bỏ mọi sự đạo mạo, chỉ vì học trò…

Bỏ bớt cái tôi để… làm bạn học trò

- Là một hiệu trưởng, có khoảng cách rất xa với học trò về vị trí, vai trò, thế hệ, nhưng thầy rất gần gũi với học sinh, thầy có bí quyết gì không?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Đã làm đến hiệu trưởng cũng ít người còn trẻ để dễ gần học sinh. Vì thế, hiệu trưởng phải xây dựng được hình ảnh thân thiện với học sinh thông qua các hành động cụ thể như tham gia cùng các em các sinh hoạt tập thể, cộng đồng, hoạt động tình nguyện. Từ đó, thầy và trò sẽ hiểu nhau hơn, xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn.

Để làm được điều đó phải bỏ bớt cái tôi của mình đi, dẹp bớt sự đạo mạo, vị trí của người hiệu trưởng, để trở thành người cha, người chú, người bác, người anh, thậm chí là người bạn, để hiểu học sinh của mình hơn. 

Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Khi mới làm hiệu trưởng, tôi cũng nghĩ mình ở vị trí nào đó trong nhà trường nên đối với các em, khi gặp, mình phải tỏ ra đạo mạo, nghiêm nghị, quan trọng. 

Nhưng tôi dần nhận thấy tất cả những điều đó không mang lại hiệu quả. Học sinh nhìn thấy tôi là sợ và có khoảng cách rất lớn giữa thầy-trò. Mình ở xa các em quá, không hiểu học trò, nên nhìn nhận đánh giá sự việc khác so với những gì đang diễn ra trong tâm lý các em. Có những vụ việc học sinh phản ứng lại quyết liệt các quyết định của mình. 

Sau nhiều lần, tôi cố gắng điều chỉnh hành vi, lời nói, cách tiếp cận, cách tìm hiểu các em, và tôi thấy hiệu quả hẳn lên. Đôi khi có sự việc xảy ra nhưng chỉ cần một cái vỗ vai, một lời động viên thăm hỏi, một cái bắt tay, hoặc chỉ đơn giản là đi cùng học sinh, trò chuyện vui vẻ, không nói gì về vi phạm của em đó mà học sinh tự nhận ra khuyết điểm của mình và sửa chữa.

Một điều tôi nghĩ cũng quan trọng không kém là có niềm tin vào học sinh. Có những vi phạm có thể do bồng bột của tuổi trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn, mình phải tha thứ, có lòng bao dung, thương yêu và tin tưởng ở các em.

- Xử phạt học sinh luôn là điều rất khó khăn. Thầy có từng thấy mình áy náy?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Tất nhiên là có. Câu chuyện tôi nhớ mãi là có một học sinh cha mẹ ly hôn, em ở với bố nhưng bố có vợ riêng nên lại ở với ông bà nội. Thiếu thốn tình cảm cha mẹ, ông bà chiều, em thường xuyên bỏ học, đánh nhau. Khi đó, tôi mới làm hiệu trưởng nên cũng muốn đưa học sinh vào kỷ luật.

Tôi quyết định họp hội đồng kỷ luật và đuổi em khỏi trường. Chỉ sau một thời gian, em đó vi phạm nặng, phải đi tù. Tôi rất áy náy, giá mình kiên trì hơn, cố gắng hơn, cách xử lý khác đi thì có thể em đó không phạm lỗi lầm.

Cũng từ những câu chuyện như vậy, tôi cố gắng điều chỉnh việc tiếp cận, cách giáo dục học sinh. Bây giờ, nếu học sinh vi phạm kỷ luật, tôi gọi riêng ra nhắc nhở, trao đổi, tâm tình, không đặt quá nặng nề. Tất nhiên, em nào vi phạm nặng cũng phải có hình thức răn đe, nhưng ban đầu bao giờ tôi cũng đem tấm lòng của người thầy ra để tìm hiểu, khuyên bảo, và tôi thấy hiệu quả hơn.

Nhưng để làm được như vậy thì học sinh phải tin mình, có tin các em mới chia sẻ được. Để học sinh tin thì mình phải có thời gian gần gũi với các em. Khi đã có tình cảm thì dễ tiếp cận, xử lý hơn, và không phải dùng hình thức nặng nề.

Tôi cũng luôn lắng nghe các ý kiến của học trò mình qua nhiều kênh như chat yahoo, facebook, email, hoặc các em gặp trao đổi trực tiếp. Các em đóng góp ý kiến về rất nhiều vấn đề, từ giáo dục trong trường đến công tác quản lý, có cả những tâm sự. Tôi nghĩ những góp ý, chia sẻ đó là điều rất cần thiết với người hiệu trưởng trong công tác quản lý học sinh.

Thầy Bình chụp ảnh lưu niệm cùng học trò. Với thầy, tình cảm của học trò là món quà quý giá nhất. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Tự cân bằng để giữ tâm sáng với nghề

- Để làm được điều đó người thầy cần có cái tâm rất lớn với nghề, với học trò. Nhưng hiện có nhiều người băn khoăn về nhiệt huyết của người thầy không còn như trước. Là người quản lý, thầy nghĩ gì về điều này?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Tôi nghĩ nhiệt huyết của người thầy thời nào cũng có, nhưng mỗi thời biểu hiện khác nhau. Trước kia nhiệt huyết đó rừng rực cháy trong tim và người thầy chưa bị cám dỗ bởi những vật chất khác. Thầy như khuôn vàng thước ngọc, là hình mẫu cho học sinh noi theo.

Thời nay, ngọn lửa ấy vẫn cháy nhưng biểu hiện có khác đi. Trước đây, đòi hỏi vật chất không lớn, nhưng ngày nay ở trong môi trường xã hội này thầy cũng phải lo toan nhiều hơn cho gia đình. 

Tôi nghĩ người quản lý, lãnh đạo, ngoài việc thắp ngọn lửa cho mình thì cũng phải cùng đồng nghiệp tiếp thêm nguồn cảm hứng cho thầy cô để ngọn lửa đó luôn cháy sáng, lan tỏa rộng hơn và mang lại kết quả giáo dục cao hơn.

Là hiệu trưởng, trong rất nhiều cái khó thì đây là điều khó nhất, làm sao để tất cả các giáo viên, cán bộ trong trường đều hướng tới một mục đích chung là giáo dục học sinh, làm sao để lôi kéo mọi người đi đúng hướng giữa những cám dỗ vật chất rất thực tế của cuộc đời.

- Tết Ất Mùi sắp đến, ngày xưa, mỗi dịp lễ tết, học trò náo nức thăm thầy. Ngày nay, mỗi ngày lễ tết, phụ huynh lo lắng phong bì. Là nhà giáo, người hiệu trưởng, thầy có cảm nhận gì?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Đây là vấn đề tôi nghĩ nhạy cảm và có nhiều cách suy nghĩ, đánh giá khác nhau. Sống trong một không gian mà hầu như mọi hoạt động đều dính đáng đến điều đó, thầy cô cũng không thể tách rời, nhưng phải ứng xử với chuyện đó thế nào cho có văn hóa, có tấm lòng ở trong đó. 

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ngày Tết thì “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Người thầy được đặt vị trí rất cao, trang trọng. Ngày tết, học sinh đến thăm thầy đến để nói lời cảm ơn, lời chúc với thầy.

Phụ huynh hoặc học sinh có quà như tấm lòng cảm ơn thầy cô, người đã giúp mình dạy dỗ con cái, nhân ngày lễ, tết, hoặc lúc ra trường, khi trưởng thành, tôi nghĩ hoàn toàn không vấn đề gì. Nhưng nếu quà đó vì mục đích muốn con mình điểm cao, con mình được chăm sóc tốt hơn, thì là việc không nên làm.

Còn với thầy cô, nếu đặt nặng giá trị vật chất thì sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng gửi gắm trong những món quà của học trò.

Là nhà giáo, có những hạnh phúc mà không nghề nào có được. Hạnh phúc ấy là niềm vui khi thấy học trò của mình khôn lớn, trưởng thành.

Hạnh phúc là khi đang đi ngoài đường, trong bệnh viện hay cả khi công tác nước ngoài, có học sinh đến chào mình, nhắc lại những kỷ niệm ở mái trường xưa. Những lúc đó, tôi thực sự rất xúc động. Hay ngày nhà giáo, ngày sinh nhật, học sinh mang hoa đến tặng, cảm giác đó rất hạnh phúc và tôi luôn nhớ mãi. Tôi vẫn giữ rất nhiều quà của học sinh làm bằng tay, đơn giản thôi nhưng tôi rất trân trọng. 

Nghề giáo từ xưa chưa khi nào giàu về vật chất, chỉ giàu tình người, và thầy cô nên nghĩ đến điều đó nhiều hơn để giữ tâm sáng, lòng trong.

- Xin cảm ơn thầy!

Vài nét về thầy Nguyễn Quốc Bình

Thầy Nguyễn Quốc Bình sinh năm 1958, tại Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.

Năm 1976, thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng gác bút nghiên, thầy lên đường nhập ngũ và trở thành bộ đội đóng quân khu vực biên giới Tây Bắc, qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

Từ năm 1980 đến 1984, thầy trở lại học Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trước khi trở thành Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (từ năm 2008), thầy từng làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội, từ năm 2002 đến 2008), Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội, từ năm 1999 đến 2002).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục