Chất vấn về giải quyết bế tắc trong xét xử tội phạm xâm hại trẻ em

Vấn đề về xâm hại trẻ em đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vấn đề về xâm hại trẻ em đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Kỳ họp 5 Quốc hội khoá XIV ngày 5/6 tại Hà Nội.

Để giải đáp những thắc mắc của các đại biểu, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã phải tham “chia lửa” hỗ trợ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

[Sáng nay, Quốc hội sẽ chất vấn về quản lý đất đai và việc làm]

Xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng

Tham gia chất vấn vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng, ngày càng nguy hiểm và trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em và đã có 562 cháu bị xâm hại.

“Nếu tính tối thiểu mỗi vụ một cháu thì có ít nhất 10 cháu bị hai vụ xâm hại với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Có tới 6% vụ việc liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng giải pháp nào là căn cơ, là quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?” Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đặt câu hỏi.

Đã có thời gian dài theo đuổi vụ việc một cháu bé ở Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) bị xâm hại và có nhiều văn bản kiến nghị sự việc trên, khi tham gia chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thẳng thắn nói: “Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách bảo vệ trẻ em chứ không riêng gì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thế nhưng dường như khi gặp các gia đình trẻ em bị xâm hại tôi thấy họ rất đơn độc. Tôi đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thái độ kiên quyết hơn nữa để cùng với các cơ quan khác vào cuộc.”

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng câu nói “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” khi nhắc lại vụ bé gái bị xâm hại ở Cà Mau, lúc cháu nói thì không nghe nhưng khi cháu tự tử thì mới khởi tố vụ án. Đây là sai lầm và không nên để những câu chuyện như vậy tiếp tục xảy ra.

Trong buổi chất vấn, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã tranh luận vấn đề bạo lực trẻ em gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, thậm chí còn có cả tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Số liệu Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra là 2.000 vụ bạo hành nhưng riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ rồi.

"Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn bởi những sự việc này khiến dư luật rất bất bình. Với tư cách là Bộ trưởng, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này?” Đại biểu Lê Thị Nga nói.

Đặc biệt đại biểu Lê Thị Nga cũng đề nghị chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toá án nhân tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em.

Cùng "chia lửa" trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hệ thống pháp luật đảm bảo quyền lợi cho trẻ em cơ bản đồng bộ. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thừa nhận thời gian qua có một số vụ việc để kéo dài, xử chưa nghiêm minh. Đặc biệt, có vụ có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao rồi mới tiến hành. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cấp, các ngành đánh giá thực chất lại hoạt động của mình.

“Còn đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hầu như các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, đơn vị đều có ý kiến trực tiếp. Nhiều vụ tôi trực tiếp có ý kiến nhhư vụ xét xử ông Nguyễn Khắc Thủy, sáng kết thúc phiên tòa, chiều tôi đã trao đổi trực tiếp với Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thể hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi không đồng tình với kết quả này. Hay vụ án Minh (Minh béo), về nước khi bị xử vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bộ đã có ý kiến với cơ quan chức năng và được chấp nhận,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

“Chia lửa” trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đồng tình xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc và cho rằng quan tâm vấn đề này phải đảm bảo tính đồng bộ của cả hệ thống chính trị để hoàn thiện toàn bộ hệ thống pháp luật.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Yêu cầu của cuộc đấu tranh này không chỉ dừng lai ở quyết tâm mà phải bằng pháp luật, sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Công tác tuyên truyền giáo dục để cảnh báo, giáo dục đồng bộ kỹ năng cho trẻ em đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội lên án. Đặc biệt là khi phát hiện xử lý nghiêm minh để răn đe,” ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Theo ông Lê Minh Trí, để bảo vệ trẻ em phải thực hiện đồng bộ phòng ngừa và khi phát hiện phải xử lý nghiêm, kịp thời tất cả các hành vi xâm hại, nếu chỉ tập trung xâm hại tình dục thì nhiều hành vi xâm hại khác cũng bức xúc.

Ông Lê Minh Trí nêu rõ, Luật Trẻ em 2016, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự... đều đã có những chương quy định điều khoản bảo vệ quyền của trẻ em. Những điều luật ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấy tranh phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, pháp luật hoàn thiện rồi còn đòi hỏi tính thực thi của pháp luật.

“17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan là hết sức quan trọng. Nếu có sự phân công của Uỷ ban thường vụ của Quốc hội thì đây là cách để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan,” ông Lê Minh Trí đề xuất.

Tham gia trả lời chất cấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, việc điều tra gặp nhiều khó khăn, có trường ợp hành vi thực hiện trong thời gian dài mới phát hiện, hầu hết các vụ xâm hại tình dục không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân khai báo không chính xác, việc tố cáo trình báo tội phạm chậm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, giám nghiệm hiện trường.

Với trách nhiệm giải trình về việc phải trả lại hồ sơ một số vụ án xâm hại trẻ em, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong 5 năm từ 2013-2017, toà án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em bao gồm 5 tội danh khác nhau quy định trong Bộ Luật Hình sự. Trong đó, xâm hại tình dục trả em đã trả hồ hơ 549 vụ, chiếm 6%, hơn 7.600 vụ xét đúng người đúng tội.

“Số vụ trả hồ sơ số lượng không nhiều, chỉ 6% nhưng gây bức xúc trong xã hội. Đây là những vụ việc không khó khăng trong xét xử nhưng khó khăn trong điều tra, vì đây phần lớn là những vụ truy xét không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện xa, gia đình nạn nhân ngại khai báo, thậm chí che dấu, không hợp tác với cơ quan điều tra. Có những tội giám định bắt bắt buộc nhưng gia đình từ chối do tâm lý xã hội gây khó khăn trong điều tra,” người đứng đầu ngành toà án nói.

Để gỡ khó trong xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, ban hành các thông tư, tập huấn cán bộ để thực thi hiệu quả các pháp luật về bảo vệ trẻ em./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục