Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá ngắn gọn về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10: “dân chủ-thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng."
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Phiên chất vấn diễn ra ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ, kết quả của phiên chất vấn sẽ là cầu nối giữa hai khóa Quốc hội, chuyển tải những nỗ lực trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát; thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ khóa XIV, tạo động lực, khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Dù có những vấn đề thành viên Chính phủ còn “nợ” đại biểu, nhưng về cơ bản, đa số đại biểu hài lòng với phần trả lời chất vấn thành viên Chính phủ, trưởng ngành. Không ít vấn đề đã được mổ xẻ để đi đến cùng, cho ra những giải pháp căn cơ hơn.
Nóng vấn đề thiên tai
Sạt lở đất, lũ lụt ở miền Trung gây nhiều thiệt hại về người và tài sản đã làm nóng nghị trường trong những ngày chất vấn, với hàng loạt câu hỏi đặt ra. Đặt vấn đề công tác cứu hộ, cứu nạn đã được triển khai tích cực, nhưng có ý kiến cho rằng chưa kịp thời và chưa đáp ứng yêu cầu, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về những giải pháp căn cơ để khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Ngay tại nghị trường này, có cách nhìn khác nhau về nguyên nhân của lũ, lụt và sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung. Xin Phó Thủ tướng cho biết thực chất nguyên nhân là thiên tai hay do nhân tai. Giải pháp của Chính phủ như thế nào để bảo đảm sự an toàn của nhân dân?."
Còn đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “Bộ trưởng nói thủy điện nhỏ không có lỗi trong vụ bão lũ, sạt lở ở miền Trung những ngày qua mà do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Như vậy là trong thời gian tới, Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng phát triển thủy điện nhỏ? Và theo Bộ trưởng, ông trời - mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?"
Những câu hỏi liên quan cũng được đặt ra với các thành viên Chính phủ, như “khi nào Phó Thủ tướng chỉ đạo xây dựng bản đồ các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để chủ động trong công tác phòng tránh, nhằm giảm thiệt hại cho người dân” (đại biểu Bùi Thị Thủy-Thanh Hóa), “Bộ trưởng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến) có giải pháp gì để giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, sản xuất tốt hơn” (đại biểu Hồ Thị Minh-Quảng Trị)...
Người đứng đầu các ngành công thương, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giải đáp ý kiến của đại biểu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thủy điện không phải là nguyên nhân gây ra lũ, sạt lở, mà thủy điện là hậu quả do việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên không dựa vào quy luật tự nhiên (việc này có thể khắc phục được). Mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện mà còn do chúng ta có tư duy sai trái, trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã.
Thủy điện cũng không phải là nguyên nhân chính gây ra mất rừng, mất rừng chính là do con người thay thế rừng bằng những cánh rừng sản xuất bình thường, như cây càphê. Khi không phù hợp với hệ sinh thái đó thì hệ sinh thái rừng nông nghiệp hoặc lâm nghiệp cũng không có giá trị.
Từ góc độ này, với tư cách là người làm quản lý môi trường, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cùng Quốc hội rà soát từng m2 đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng.
“Sắp tới, đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải phục hồi lại. Phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất là rừng tự nhiên. Tôi xin được báo cáo với đại biểu như vậy. Rất mong đại biểu hãy lắng nghe băng tôi trả lời để chúng ta có sự hiểu biết lẫn nhau hơn," người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho biết.
[Tạo nền tảng vững chắc cho con đường phát triển của đất nước]
Đề cập đến nguyên nhân chủ quan do con người gây ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu lên một loạt vấn đề như tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương, rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả; tình trạng phá rừng để lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi; việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế-xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa được thực hiện nghiêm, từ đó ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra.
Bên cạnh đó là nguyên nhân do đầu tư xây dựng công trình giao thông, công trình xây dựng khác làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất, gây cản trở lũ, làm cho lũ dâng cao.
“Việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành sẽ có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn của hạ du. Vấn đề này chúng ta thấy rất rõ," Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện nay, xây dựng các công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi có tác động tiêu cực đến môi trường. Vì các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực miền núi, trung du, đồng thời, việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Nhưng hiện nay, tỷ lệ bản đồ này chưa phù hợp với các khu vực, mới chỉ ở tỷ lệ cao, tỷ lệ lớn, chưa có tỷ lệ nhỏ, nên chưa xác định chính xác được những điểm sạt lở phải di dời dân. Kinh nghiệm của các nước phát triển thì việc di dời dân trước khi bị sạt lở đất là yêu cầu số 1 để đảm bảo an toàn cho người dân. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, kịp thời để sơ tán khẩn cấp người dân trước khi có sạt lở đất, lũ quét như kinh nghiệm của Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lập dự án, quản lý quá trình đầu tư xây dựng đến khâu vận hành, khai thác, sử dụng, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ, yêu cầu phải đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế.
“Chúng ta phải đánh giá được cái lợi, cái hại. Nếu lợi nhiều, hại ít thì chúng ta làm, lợi ích ít, hại nhiều thì kiên quyết không làm," Phó Thủ tướng khẳng định.
Đến hẹn lại… chất vấn
Qua các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Báo cáo tổng hợp kết quả thẩm tra, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn tại kỳ họp cho thấy bức tranh tổng thể trong việc triển khai thực hiện các yêu cầu của Quốc hội là toàn diện, có chiều sâu, kết quả tích cực là chủ đạo.
Song, không ít vấn đề “đến hẹn” lại được đại biểu chất vấn, điều đó cho thấy việc giải quyết kiến nghị của đại biểu và cử tri chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa rốt ráo, triệt để, chuyển biến còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra. Điển hình như vấn đề đổ xô đi học lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, thăng hạng.
Cho biết những kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề cập sẽ sớm bỏ những chứng chỉ các viên chức phải thi, cụ thể như chứng chỉ ngoại ngữ, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đặt câu hỏi: Cử tri quan tâm là đến bao giờ tình trạng trên được loại bỏ.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Nghị định của Chính phủ đã quy định đối với những trường hợp khi tốt nghiệp, các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3, thì không cần yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ. Tương tự, những người thi nâng ngạch, nếu được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
Để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính.
Như vậy, đã qua 1 năm kể từ khi đại biểu chất vấn Bộ trưởng tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019), đến nay, tình trạng đi học cho đủ chứng chỉ để thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức vẫn tiếp diễn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và giảng dạy kiến thức này trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực thi hành 5 năm và tại kỳ họp 9, đại biểu đã chất vấn đề này, Bộ trưởng hứa tháng 9/2020 sẽ ban hành để kịp đưa vào thực hiện trong năm học 2020-2021 nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đặt câu hỏi về lý do mà thông tư này chưa được ban hành và thời hạn Bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa của mình?
Giải đáp Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, trường bổ túc văn hóa, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp. Do vậy, Bộ đã chỉ đạo các Ban soạn thảo tính toán như thế nào là phù hợp và trong quá trình chuẩn bị thông tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường nghề vẫn dạy theo chương trình quy định.
Bộ cũng lấy ý kiến và làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để thảo luận vấn đề này, đến nay đã xong phần dự thảo, cố gắng cuối năm nay có thể giao được.
Đeo đuổi đến cùng các vấn đề đã từng chất vấn, các đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Trương Thị Yến Linh (Cà Mau nhắc lại đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ở kỳ họp thứ 8 về sự phát triển của mạng Lotus, việc ngăn thông tin xấu, độc. Còn đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về cơ chế thi hành án đối với thi hành án hành chính mà ông đã chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Đặc biệt, tại phiên họp lần này, Chủ tịch Quốc hội - người điều hành phiên họp cũng là người trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Với câu hỏi của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) về thời gian xây dựng và trình dự án Luật Dịch vụ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn “Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã trao đổi, thống nhất thấy rằng chưa thể ban hành luật này."
Lý do được Chủ tịch Quốc hội nêu lên là trong hệ thống pháp luật đều đã có các quy định thủ tục hành chính công và dự thảo luật mà đại biểu chuẩn bị chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm, vì thế chưa thể trình Quốc hội.
Khẳng định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao sự kiên trì của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm “lúc đầu chúng tôi đã tổ chức bố trí đầy đủ điều kiện để cho Ban soạn thảo nghiên cứu làm việc. Tuy nhiên, vì những lý do trên, nên tới nay chưa thể trình Quốc hội”./.