Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Nguồn ảnh: TTXVN)

QUỐC HỘI CHIA SẺ, ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH PHỦ ĐƯA QUYẾT SÁCH ĐI VÀO CUỘC SỐNG (2)

Chất vấn, trả lời chất vấn: Bám sát thực tiễn, giải quyết các vấn đề nóng

Với tinh thần “đi thẳng vào vấn đề,” phiên chất vấn không chỉ ghi nhận các giải pháp xử lý các vấn đề "nóng," mà còn là cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.

Cùng với việc kiện toàn công tác nhân sự, một điểm nhấn nổi bật khác được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp thứ 7, là việc Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tổ chức các phiên chất vấn. Trong đó, nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề “nóng” nổi lên từ cuộc sống, cần kịp thời khắc phục.

Với tinh thần “đi thẳng trực diện vào vấn đề” và “trả lời rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, hiệu quả,” các phiên chất vấn không chỉ giúp Chính phủ nắm bắt thêm thông tin từ thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là những bất cập trong chỉ đạo điều hành để có giải pháp khắc phục, mà còn là cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.

Cũng bởi thế, ngay sau phiên chất vấn, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhanh chóng thực hiện lời hứa của mình. Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 56/CĐ-TTg về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số…

Hỏi nhanh đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại biểu Lý Thị Lan (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) nhấn mạnh chất vấn và trả lời chất vấn bao giờ cũng là phiên được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri rất mong đợi. Tại kỳ họp này, vấn đề chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn rất đúng và trúng những vấn đề thực tiễn đang cần phải giải quyết và cử tri đặc biệt quan tâm.

Trong phần chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã tuân thủ nguyên tắc của nghị trường là “hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề, theo đuổi vấn đề.” Đơn cử như phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Tôi nhận thấy đây là một lĩnh vực đang rất nóng. Đặc biệt là về vấn đề xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, việc đang thiếu vật liệu cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, cần phải có sự quyết liệt của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra giải pháp giải quyết,” đại biểu nói.

Trong phần trả lời chất vấn, theo đánh giá của đại biểu Lý Thị Lan, các tư lệnh ngành cũng đi thẳng vào trực diện những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Điều này đã tạo được không khí trách nhiệm, thẳng thắn và cũng thể hiện được đúng được tinh thần chất vấn của kỳ họp Quốc hội.

Một điểm mới đã tạo nên dấu ấn đặc biệt là kể từ khi thành lập Tổng Kiểm toán Nhà nước đến nay, lần đầu tiên có một Tổng Kiểm toán đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, về các vấn đề “nóng” như: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, thời gian qua, cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội rất băn khoăn về lĩnh vực kiểm toán. Bởi thực tế cho thấy sau kiểm toán mặc dù có thanh tra, kiểm tra nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn vướng vòng lao lý.

“Tuy nhiên trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn đã trả lời rất rõ ràng nhiệm vụ, chức năng mà kiểm toán đã hoàn thành. Cả những nhiệm vụ chưa hoàn thành cũng được Tổng Kiểm toán thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm, để ngành kiểm toán có thể tìm giải pháp và nâng cao chất lượng trong tương lai,” ông Tiên đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng tạo được ấn tượng khi trả lời chất vấn thẳng thắn, không né tránh. Hơn thế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong việc nắm bắt những sai phạm đã trở thành “tiêu cực nhức nhối” của ngành thể thao nước nhà trong thời gian qua.

Trước đó, sự việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thể thao thành tích cao trong mắt công chúng và xấu đi hình ảnh thầy trò tình nghĩa. Mặt trái này cũng phần nào phơi bày chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, công tác quản lý chưa hiệu quả trong ngành.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho biết các vấn đề chất vấn tại kỳ họp đã gói gọn theo đúng tinh thần chất vấn; tập trung giải quyết những vấn đề nóng nổi lên trong cuộc sống trong một thời gian ngắn.

Đặc biệt, dù lần đầu tiên điều hành phiên chất vấn trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7, song bằng kinh nghiệm dày dặn của một nhà lãnh đạo, tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã cho thấy khả năng dẫn dắt, kết nối linh hoạt, hiệu quả giữa các đại biểu chất vấn với các bộ trưởng, trưởng ngành, người trả lời chất vấn. Chính điều này đã góp phần tạo nên dấu ấn thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

“Không lòng vòng, không chung chung, trả lời chất vấn đi thẳng trực diện vào vấn đề mà đại biểu quan tâm” là điều mà Chủ tịch Quốc hội luôn nhắc nhở các bộ trưởng để đảm bảo trả lời rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, hiệu quả.

vnp_dai bieu quoc hoi 68.jfif
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với một số nội dung chất vấn khó, phức tạp, cùng lúc thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu phối hợp làm rõ, đi tới tận cùng để giải trình được kỹ và tốt hơn. Chủ tịch Quốc hội cũng lập tức điều hướng khi vấn đề đại biểu nêu ra nằm ngoài phạm vi chất vấn, để phiên chất vấn đi đúng trọng tâm.

Đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri

Đại biểu Vũ Ngọc Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho rằng tinh thần, thái độ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ với các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày tại Kỳ họp thứ 7 là rất nghiêm túc, cầu thị. Những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp hay gửi bằng văn bản đều đã được các thành viên Chính phủ quan tâm trả lời và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những phát biểu, chia sẻ làm rõ thêm.

Các vấn đề chưa rõ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cũng đã tiếp thu để nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để thay đổi các quy định trong các dự án luật liên quan.

“Ví dụ như việc chống mặt trái của thương mại điện tử, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đã có thêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có nêu một câu rất ấn tượng là những vấn đề về công nghệ thì phải giải quyết bằng giải pháp công nghệ, chứ không thể sức người mà làm được,” đại biểu Vũ Ngọc Long chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá qua phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đúng và trúng những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

“Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề. Hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu một vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi cho việc theo dõi, ghi chép và trả lời của chủ tọa, của các bộ trưởng, trưởng ngành,” Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Người đứng đầu Quốc hội cũng lưu ý, nội dung câu hỏi các đại biểu Quốc hội đề cập, nêu ra, cơ bản thuộc nội dung phạm vi chất vấn. Theo đó, quá trình chất vấn các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Cũng theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, các bộ trưởng, trưởng ngành đã thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

chu tich quoc hoi.PNG
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phát huy những kết quả đạt được; tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực; tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới,” Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa

Theo các đại biểu Quốc hội, trong chất vấn và trả lời chất vấn thì khâu quan trọng nhất là lời hứa của các thành viên Chính phủ. Vì vậy, điều các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước mong đợi là các cam kết phải đi vào thực tiễn, cũng như có được sự chuyển biến trong thực tiễn.

Bàn về nội dung trên, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhấn mạnh qua tiếp xúc cử tri, nhiều người bày tỏ mong chờ trên cơ sở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ có một nghị quyết, trong nghị quyết đó sẽ nêu cụ thể nhiệm vụ phải làm, thời gian bao lâu để tạo sự chuyển biến.

“Tôi mong rằng cùng với trách nhiệm, các ngành lĩnh vực được quan tâm như tài nguyên và môi trường; công thương; văn hoá, thể thao và du lịch; kiểm toán thì những cam kết của các tư lệnh ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ phải được đi vào thực tế một cách nhanh nhất và có chuyển biến rõ nét; tránh những trường hợp vài năm nữa đại biểu lại phải quay trở lại chất vấn ở những kỳ sau,” đại biểu Trịnh Xuân An nói và nhấn mạnh Quốc hội sẽ có hướng giám sát việc thực hiện lời hứa.

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng các lĩnh vực được chọn trong kỳ chất vấn lần này đều là những vấn đề bức xúc của xã hội, được dư luận quan tâm. Có những câu hỏi một số bộ trưởng trả lời dù chưa thỏa mãn được mong muốn của các đại biểu và nhân dân, song với thời lượng ngắn, các vấn đề đại biểu đặt ra cũng như lời nhắc lại về những vấn đề thực tiễn đang xảy ra để các bộ trưởng sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực thi chính sách.

“Hy vọng những lời nhắc của cử tri được gửi gắm qua các đại biểu Quốc hội và đề cập tại phiên chất vấn sẽ thúc đẩy nhanh hơn trách nhiệm mà các bộ trưởng sẽ thực hiện trong thời gian tới,” đại biểu Trần Kim Yến nói.

Phân tích rõ hơn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay giám sát tối cao của Quốc hội có 7 hình thức. Chất vấn là 1 trong 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội. Tuy nhiên để Nghị về quyết chất vấn đi vào cuộc sống hay nói cách khác là lời hứa của các thành viên Chính phủ được thực hiện và hài lòng cử tri, nhân dân, thì điều quan trọng là việc triển khai, thực hiện của Chính phủ và quá trình giám sát của Quốc hội.

“Hiện có 2 cách giám sát, một là giữa nhiệm kỳ hai là cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tổ chức giám sát lại việc tổ chức lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội cũng như trả lời cho cử tri và đồng bào cả nước,” đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Nhiều kỳ họp trước đây, phiên chất vấn lại đã được thực hiện lại và đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trở lại đây, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì thay vì tổ chức giám sát vào giữa nhiệm kỳ hay cuối nhiệm kỳ, Quốc hội đã giao cho các cơ quan trực thuộc tiếp tục giám sát ngay khi nghị về quyết chất vấn có hiệu lực.

Sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về chất vấn, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện này và giao cho các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát theo lĩnh vực, chức năng của mình.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng đây là một trong những vấn đề cần tiếp tục được tuyên truyền để các thành viên Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội nhận thấy trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức giám sát ngay khi Nghị quyết về chất vấn được Quốc hội thông qua. Có như vậy mới mang lại kết quả tốt hơn thay vì để Chính phủ tự tổ chức thực hiện và đến giữa hoặc cuối nhiệm kỳ mới tổ chức giám sát lại thì sẽ không phát hiện được những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết về chất vấn.

vnp_dai bieu huong doan ha giang.jfif
Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Nếu Quốc hội đồng hành ngay trong quá trình các thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa, Chính phủ cũng có thể nhìn nhận lại và thay đổi cách thức tổ chức triển khai thực hiện để mang lại hiệu quả tích cực hơn,” đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Chính phủ “vào cuộc” ngay sau phiên chất vấn

Theo đại biểu Lý Thị Lan (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang), chất vấn và trả lời chất vấn kết là một kênh để cho Chính phủ nắm bắt thêm được những thông tin từ thực tiễn; đặc biệt là những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành từ Trung ương tới địa phương, để điều chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Thực tế, ngay sau phiên chất vấn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đã thể hiện rõ sự quyết tâm khi bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề đã hứa trước Quốc hội, trước cử tri cả nước, đặc biệt là những vấn đề đang bất cập mà có thể giải quyết được ngay.

Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã ra ngay công điện về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; nâng cao về quản lý ngân sách, thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đó là những giải pháp "nóng," thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thông qua chất vấn và phiên chất vấn đã kịp thời để giải quyết.

Thu tuong Pham Minh Chinh.jpg
Ngày 13/6/2024, kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, tập trung thực hiện hiệu lực, hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bên cạnh đó, nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội về các vấn đề “nóng” như quy định về nồng độ cồn, hay vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ôtô chở học sinh, trẻ em mầm non (sau sự cố trẻ bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình); việc quản lý đối với thuốc lá điện tử thế hệ mới (đang tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặc biệt là giới trẻ),... cũng đã được cơ quan soạn thảo các luật liên quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh, đề nghị Quốc hội thông qua.

Có chung đánh giá, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho rằng khi các vấn đề được đưa lên nghị trường Quốc hội thì các thành viên Chính phủ và các cơ quan Quốc hội cũng đã nhận thức được nhiều vấn đề và rà soát, xem xét lại nhiều vấn đề, từ đó tìm giải pháp để khắc phục các vấn đề còn bất cập, không phải chờ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

“Thực tế tại phiên chất vấn vừa qua, có những vấn đề ngay lập tức đã thay đổi trong nhận thức của người tổ chức triển khai thực hiện. Khi cử tri, nhân dân cả nước theo dõi phiên chất vấn, hay phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, thảo luận về xây dựng các dự án luật, thì cử tri cũng cảm thấy hài lòng về những vấn đề mà Chính phủ đã khắc phục. Qua đó không chỉ thay đổi nhận thức của người tổ chức triển khai thực hiện mà còn tới cộng đồng, dân cư,” đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh./.

Mời độc giả đón đọc Bài 3: Dấu ấn lập pháp: Cho phép cơ chế đặc thù, quyết luật sớm đi vào cuộc sống

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục