Nếu như những lần trước, Quốc hội chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để trả lời chất vấn thì tại Kỳ họp thứ 10, hoạt động chất vấn sẽ thay đổi lớn.
Cụ thể, trên cơ sở nhìn lại các nghị quyết của Quốc hội từ đầu Khóa 13 đến kỳ họp này, các đại biểu xem xét và trên cơ sở nội dung còn tồn tại, chưa giải quyết sẽ đặt câu hỏi chất vấn tới các thành viên Chính phủ. Bởi thế, người được chất vấn sẽ không biết các vị đại biểu hỏi ai và hỏi về nội dung gì.
Bên hành lang nghị trường, Đại biểu Trương Minh Hoàng (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) đã trao đổi về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu Trương Minh Hoàng, ông quan tâm tới những vấn đề gì khi chất vấn các thành viên Chính phủ?
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Từ Kỳ họp thứ 2 tới giờ, gần như lần nào tôi cũng chất vấn bằng văn bản hoặc trực tiếp tại Hội trường. Lần này cũng không ngoại lệ, chúng tôi đã gửi những câu hỏi chất vấn có liên quan.
Nội dung chúng tôi quan tâm nhất gần như xuyên suốt từ Kỳ họp thứ 2 tới giờ là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong đó vấn đề đáng lưu ý là đê biển (về đầu tư, sạt lở…). Đây là những vấn đề còn thiếu sót, chưa thực hiện được trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong đó có việc ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Qua 8 kỳ họp, có sự tiến triển nào trong những vấn đề mà ông đã chất vấn không?
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Tôi có thể chỉ ra được các vị trưởng ngành có nhiều chuyển biến khi nhận được chất vấn.
Ví dụ như có lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, sau đó vấn đề tôi đưa ra được chuyển biến tích cực và bà con cử tri khá hài lòng. Đó là chuyện sắp tới đi từ Cao Bằng tới mũi Cà Mau có thể bằng ôtô, mà chỉ hồi kỷ niệm 40 năm giải phóng đất nước còn có hai huyện chưa có đường ôtô tới trung tâm, phải di chuyển qua đường thủy thì cuối năm nay sẽ thực hiện được.
Hay có lần tôi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về vấn đề nợ xấu. Tôi có đặt câu hỏi nếu như nợ xấu không có giải pháp giải quyết thì Thống đốc làm gì, trách nhiệm ra sao? Thống đốc có cam kết và chúng tôi thấy chuyển biến rất rõ, tình hình lạm phát cũng có phương pháp giải quyết, rồi tình hình ổn định lãi suất, thị trường tiền-vàng…
- Lần này, có một sự thay đổi lớn trong việc chất vấn các thành viên Chính phủ, đó là việc người được chất vấn sẽ không biết các vị đại biểu hỏi ai và hỏi về nội dung gì. Ông đánh giá thế nào về sự khác biệt này?
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Với sự thay đổi này, nếu đánh giá là nó sẽ hoàn chỉnh hơn, hay hơn những lần trước thì còn quá sớm. Bởi lẽ, nội dung như vậy sẽ khá rộng, thậm chí chọn vấn đề gì để chất vấn cũng là việc khó.
Muốn một buổi chất vấn thành công, hay và đáp ứng được yêu cầu mong đợi của cử tri, chương trình kỳ họp thì bên cạnh việc người chất vấn phải đưa ra câu hỏi sâu sát, đúng với vấn đề thì người trả lời chất vấn cũng phải trả lời gọn, đúng trọng tâm.
Vì lý do nội dung rộng, nhiều vấn đề nên chúng ta còn phải chờ thêm kết quả đầu tư của đại biểu như thế nào thì mới đánh giá được. Đương nhiên tôi cho rằng để thực hiện bước đột phá trong một kỳ thì khó cho cả người hỏi chất vấn và người trả lời chất vấn.
- Như đại biểu nói, nội dung rộng như vậy thì quỹ thời gian dành cho chất vấn liệu có ngắn không?
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Thời gian không thể kéo dài được. Chúng tôi thấy trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các báo cáo khác có 24 nhóm vấn đề từ đầu kỳ 2 đến giờ. Trong đó, đã có 15 nhóm vấn đề được giải quyết cơ bản, còn lại 9 nhóm vấn đề đã và đang làm.
Bởi thế, tôi nghĩ nếu các đại biểu bám vào 9 nhóm vấn đề này thì nội dung sẽ được tập trung, tránh tràn lan và bảo đảm thời gian.
- Xin cảm ơn Đại biểu!