Chất vấn chánh án TAND và giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM

Chiều 30/7, kỳ họp lần thứ 18 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII đã bế mạc sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 30/7, kỳ họp lần thứ 18 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII đã bế mạc sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua dự thảo 3 Nghị quyết gồm Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng cuối năm 2015; Nghị quyết về giám sát tình hình triển khai thực hiện chỉ tiêu phấn đấu 100% các hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 18 Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa VIII.

Trong ngày làm việc 30/7, các đại biểu đã chất vấn bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án Tòa án nhân dân và ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Phạm Văn Bá nêu vấn đề về tình trạng hoãn phiên tòa, nhiều vụ án dân sự không có sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân.

Trong khi đó, một số đại biểu khác đặt câu hỏi về tình trạng chậm chuyển giao bản án, nhiều bản án bị hủy, tạm đình chỉ, chưa được đưa ra xét xử do yếu tố chủ quan.

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, hiện vẫn còn nhiều vụ án bị tạm đình chỉ, quá thời hạn. Nguyên nhân chủ quan là do tính chất án phức tạp, thẩm phán ngại đưa ra xét xử, đang để hồ sơ nghiên cứu; một số thẩm phán chưa tận tâm với công việc, trách nhiệm của mình, trình độ chuyên môn chưa đồng đều.

Lãnh đạo tòa án các cấp chưa quyết liệt đưa ra các giải pháp, chế tài nghiêm khắc xử lý thẩm phán để án quá hạn mà chưa được đưa ra xét xử. Thậm chí có nhiều thẩm phán còn có tâm lý nghỉ ngơi sau Tết.

Mặt khác, tòa án các cấp đang thiếu thẩm phán trong khi số lượng vụ việc ngày càng nhiều. Hàng năm riêng hệ thống tòa án Thành phố Hồ Chí Minh phải xử lý khối lượng bằng 1/5 án của cả nước. Bình quân mỗi thẩm phán phải giải quyết 14-17 vụ/tháng, cao gấp 3-4 lần so với chỉ tiêu mà Tòa án nhân dân Tối cao đưa ra.

Tòa án quận huyện thiếu khoảng 100 thẩm phán còn tòa án cấp thành phố thiếu 80 thẩm phán. Hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, án đình chỉ có trên 2.000 vụ, còn án quá hạn có hơn 1.000 vụ. Nhiều án dân sự gần như bế tắc do không thể triệu tập được đương sự.

Về giải pháp xử lý án quá thời hạn, án bị đình chỉ, bà Ung Thị Xuân Hương cho biết, tòa án cấp thành phố đang triển khai công nghệ thông tin, Chánh án quản lý được từng thẩm phán.

Chỉ cần một vài thao tác, lãnh đạo tòa án có thể biết được tình hình giải quyết án của mỗi thẩm phán. Đối với hệ thống công nghệ thông tin tòa án cấp quận huyện, dự kiến đến cuối năm 2015 mới hoàn tất.

Ngoài ra, lãnh đạo Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đôn đốc chỉ đạo thẩm phán phải báo cáo tiến độ án giải quyết, đưa ra kế hoạch xét xử cụ thể. Đây được xác định là tiêu chí để cuối năm đánh giá công chức thẩm phán.

Chất vấn ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường Thành phố, các đại biểu tập trung các vấn đề về di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nghiễm môi trường, lộ trình di dời nhà máy xi măng Hà Tiên 1, xử lý rác bãi rác Phước Hiệp, chất lượng nước kênh…

Trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu, ông Đào Anh Kiệt cho biết, hiện nay trong số các doanh nghiệp thuộc diện di dời có 80% đơn vị chấp hành tốt còn 20% chưa di dời được, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước. Lý do di dời chậm vì các dự án khu công nghiệp còn vướng đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng.

Về việc bãi rác Phước Hiệp, ông Đào Anh Kiệt cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang cho thêm thời gian để hoạt động thử nghiệm hệ thống lò đốt còn nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 trước sau cũng sẽ di dời, thời gian sẽ báo cáo sau.

Trước đó trong ngày làm việc 29/7, các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua Tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố về kinh phí hoạt động và chế độ chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện phường xã, thị trấn trên địa bàn; Tờ trình về phương án thu lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng lưu ý, phí đăng ký ôtô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách có mức tăng cao nhất, từ 2 triệu đồng lên 11 triệu đồng.

Về vấn đề thu phí đường bộ xe máy, Hội đồng Nhân dân Thành phố giao Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục tổ chức thu đảm bảo công khai minh bạch, sử dụng đúng nguồn thu; kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ những vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục