Chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện chiếm khoảng 23%

Cục Quản lý môi trường y tế cho biết theo thống kê từ các báo cáo quan trắc, chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng 23% so với tổng lượng chất thải y tế phát sinh.
Chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện chiếm khoảng 23% ảnh 1(Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết theo thống kê từ các báo cáo quan trắc, chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng 23% so với tổng lượng chất thải y tế phát sinh.

Tổng lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý theo yêu cầu trong kỳ báo cáo đạt tỷ lệ 99%; trong đó các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tư nhân đã xử lý 100% lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh.

88% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế hoạt động tốt

Theo thống kế của Cục Quản lý môi trường y tế, đến nay, cả nước có 478/543 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế hoạt động tốt, chiếm 88%; 54/543 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế không hoạt động tốt hoặc không hoạt động, chiếm 9,9% và 11/543 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc đang trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý mới, chiếm 2%.

Tổng số bệnh viện có lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế là 192 bệnh viện. Cụ thể: 192/192 bệnh viện đã thực hiện quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, đạt tỷ lệ 100%; trong đó, tuyến Trung ương có 1 bệnh viện, tuyến tỉnh có 52 bệnh viện, tuyến huyện có 135 bệnh viện và tư nhân có 4 bệnh viện.

Đa phần các lò đốt hiện nay đang sử dụng đã cũ, xuống cấp, thiếu linh kiện thay thế, không được bảo dưỡng định kỳ khiến việc xử lý chất thải bằng lò đốt tiềm tàng nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số bệnh viện có các thông số không đạt tiêu chuẩn cụ thể là: SO2, CO, NOx, bụi...

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Cục Quản lý môi trường y tế đã phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đang tiến hành tổng điều tra trên phạm vi toàn quốc về thực trạng phát thải và đánh giá mức độ ô nhiễm.

[Lò đốt rác thải y tế được đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn nằm "đắp chiếu"]

Dự kiến trong năm 2018, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 khi hoàn thành tổng điều tra.

Ngoài ra, triển khai Kế hoạch xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, theo kết quả tự chấm điểm của 645 cơ sở y tế cho thấy:

Tại tuyến Trung ương có 80% đơn vị đạt loại tốt, 20% đạt loại khá (không có cơ sở y tế nào xếp loại trung bình và không đạt).

Tại tuyến tỉnh có 49% đơn vị đạt loại tốt, 40% đạt loại khá và 11% đơn vị đạt loại trung bình (không có cơ sở y tế nào xếp loại không đạt).

Tuyến huyện có 44% đơn vị đạt loại tốt, 48% đơn vị đạt loại khá, còn 8% đơn vị đạt loại trung bình (không có cơ sở y tế nào xếp loại không đạt). Tuyến xã có 44% đơn vị đạt loại tốt, 37% đơn vị đạt loại khá và 19% đơn vị đạt loại trung bình (không có cơ sở y tế nào xếp loại không đạt).

Triển khai thí điểm thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế

Cục Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh để có được kết quả trên, thời gian qua, Cục đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho các cán bộ là lãnh đạo các sở y tế, các cơ sở y tế, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, cảnh sát môi trường, các cán bộ chuyên trách về quản lý chất thải y tế và các nhân viên vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế công lập thuộc ngành y tế trên toàn quốc; duy trì cập nhật thông tin về các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý môi trường y tế trên Website của Cục Quản lý môi trường y tế và Bộ Y tế.

Đồng thời, Cục đã phát động và tổ chức thi tìm hiểu về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường từ hoạt động y tế trên toàn quốc với 224 tác phẩm dự thi với các thể loại bài viết, thơ, thông điệp truyền thanh, video... và các đội chơi đến từ 12 cơ sở y tế tham gia các vòng thi chung khảo, chung kết.

Ngoài ra, Cục đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế về công tác quản lý chất thải y tế và thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp tại 37 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế và thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp tại 17 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; tổ chức hơn 20 chuyến công tác, kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế và triển khai Kế hoạch xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp tại các sở y tế.

Thời gian tới, Cục Quản lý môi trưởng y tế tiếp tục rà soát xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý môi trường y tế phù hợp với tình hình thực tế, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ.

Đồng thời, Cục sẽ tăng cường phổ biến hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đồng thời triển khai các mô hình về các lĩnh vực quản lý môi trường y tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm về lĩnh vực quản lý môi trường y tế.

Đặc biệt, ngành y tế sẽ triển khai thí điểm thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế để làm cơ sở để triển khai nhân rộng trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục