Chất phóng xạ có trong mẫu bùn đỏ tại Hungary

Theo bài viết đăng trên Nhật báo Giải phóng (Pháp), bùn đỏ trong sự cố vỡ bể chứa chất thải công nghiệp ở Hungary có chứa phóng xạ.
Nhật báo Giải phóng (Libération) của Pháp vừa đăng bài viết "Bùn đỏ dưới kính hiển vi của Criirad" (Criirad là Ủy ban Nghiên cứu độc lập về phóng xạ).

Bài viết cho biết bùn đỏ trong sự cố vỡ bể chứa chất thải công nghiệp của nhà máy sản xuất nhôm Ajkai Timfolgya ở Hungary có chứa phóng xạ.

Bài báo dẫn kết quả phân tích các mẫu bùn đỏ lấy tại hiện trường của Criirad cho thấy bùn đỏ, chất thải của quá trình khai thác quặng bauxite, rất độc hại bởi có chứa kim loại nặng.

Các phân tích cho thấy, trong bùn đỏ có chất phóng xạ uranium 238 cao gấp 3 lần độ phóng xạ trung bình của vỏ Trái Đất (40 bq/kg), và chất thorium 232 cao hơn 4 lần so với độ phóng xạ trung bình của vỏ Trái Đất.

Ủy ban nghiên cứu này cho rằng, hiện tượng bùn đỏ trong khai thác quặng nhôm có chứa phóng xạ là bình thường và độ phóng xạ trong bùn đỏ ở Hungary không cao, song vẫn cần kiểm tra sức khoẻ người dân trong vùng cũng như công nhân nhà máy để đánh giá mức độ bị phơi nhiễm.

Sự cố vỡ bể chứa chất thải công nghiệp của nhà máy Ajkai Timfolgya xảy ra ngày 4/10 vừa qua, làm 7 người chết, hơn 100 người bị thương và khiến khoảng 1 triệu m3 bùn đỏ độc hại tràn ra ngoài, gây thảm họa sinh thái và là sự cố hóa chất nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hungary.

Lượng bùn đỏ ở môi trường xung quanh nhà máy đã vượt giới hạn cho phép, khiến hàng trăm người sống quanh khu vực này phải sơ tán hoặc dùng thiết bị bảo hộ, nhiều vùng đất không thể trồng trọt được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục