Ô nhiễm nước và không khí ở miền Bắc 3 tháng đầu năm vượt ngưỡng

Chất lượng nước và không khí ở miền Bắc 3 tháng đầu năm vượt ngưỡng

Qua quan trắc chất lượng môi trường quốc gia tại 28 tỉnh, thành phố ở miền Bắc, Tổng cục Môi trường cho biết có 42/93 giá trị bụi lơ lửng vượt giới hạn; ô nhiễm nguồn nước vẫn xảy ra ở các điểm nóng.
Chất lượng nước và không khí ở miền Bắc 3 tháng đầu năm vượt ngưỡng ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trên cơ sở quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới tại các điểm đặc thù, nhạy cảm về môi trường trên phạm vi 28 tỉnh, thành phố tại khu vực miền Bắc đợt 1/2020, Tổng cục Môi trường đã ghi nhận nhiều chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng.

42/93 giá trị bụi lơ lửng vượt giới hạn

Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết theo kế hoạch nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, đơn vị này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện Chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với không khí và nước tại khu vực phía Bắc năm 2020.

Trong khuôn khổ chương trình, Tổng cục Môi trường đã và đang thực hiện quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới; quan trắc tại các điểm nóng, đặc thù và nhạy cảm về môi trường trên phạm vị địa bàn 28 tỉnh, thành phố.

Kết quả quan trắc đợt 1/2020 cho thấy về môi trường không khí, tổng bụi lơ lửng có 42/93 giá trị vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam trung bình một giờ chiếm tỷ lệ 45,2%. Thông số tiếng ồn có 71/93 giá trị vượt giới hạn cho phép Quy chuẩn Việt Nam, chiếm tỷ lệ 76,3%.

Thống kê kết quả quan trắc môi trường không khí các tỉnh miền Bắc trong tháng 2/2020 cũng cho thấy môi trường không khí tiếp tục bị ô nhiễm về tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn. Riêng các thông số khác như nitơ điôxít (NO2), cacbon monoxit (CO), lưu huỳnh dioxit (SO2), chì (Pb) trung bình một giờ nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam.

Ô nhiễm bụi biểu hiện rõ nhất tại các trục giao thông và khu công nghiệp, điển hình như khu công nghiệp Phố Nối A, Như Quỳnh-Hưng Yên, Đại An-Hải Dương. Giá trị bụi lơ lửng trung bình lớn nhất là 452,3 µg/m3 tại khu công nghiệp Đại An-Hải Dương (vượt 1,5 lần so với Quy chuẩn Việt Nam).

Giá trị bụi lơ lửng đợt tháng Hai duy trì ở mức xấp xỉ và vượt so với quy chuẩn cho phép.

“So với đợt cuối của năm 2019, giá trị bụi lơ lửng đợt tháng 2/2020 có xu hướng tương đồng do cùng trong giai đoạn mùa khô, trừ một số ít điểm có xu hướng tăng nhẹ so với đợt tháng 11/2019 (gồm Phố Nối A, Như Quỳnh, Phố Nối-Hưng Yên; Đại An-Hải Dương),” Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.

[Không khí trong tháng Ba đã "xanh," bụi PM2.5 vẫn vượt ngưỡng]

Tương tự, tại khu dân cư, mức độ ô nhiễm tổng bụi lơ lửng đợt tháng 2/2020 tăng cao so với đợt tháng 11/2019. Trong số đó, có 3/9 điểm quan trắc có giá trị vượt giới hạn quy định theo Quy chuẩn Việt Nam, là những khu dân cư nằm gần trục giao thông như Phố Nối-HưngYên, gần nhà máy bia Hà Đông-Hà Nội...

Ô nhiễm nguồn nước ở các "điểm nóng"

Về môi trường nước, Tổng cục Môi trường cho biết kết quả tính toán giá trị WQI (chỉ số chất lượng nước) trên 5 lưu vực sông đợt 1/2020 (tháng 2/2020) phản ánh chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông khu vực phía Bắc khá tốt.

Chất lượng nước và không khí ở miền Bắc 3 tháng đầu năm vượt ngưỡng ảnh 2Thông số bụi mịn PM2.5 trong tháng 3/2020 tại thành phố Hà Nội vẫn vượt ngưỡng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong số 185 điểm quan trắc trên 5 lưu vực sông, có đến 70% các điểm quan trắc có giá trị WQI đạt ở mức rất tốt đến tốt; 18% ở mức trung bình và 12% số điểm quan trắc có giá trị WQI mức kém, mức xấu.

Các điểm có giá trị WQI ở mức xấu tập trung trên các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như lưu vực sông Nhuệ Đáy (đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội, các sông nội thành Hà Nội), lưu vực sông Cầu (đoạn sông Ngũ Huyện Khuê; đoạn suối Loàng, cầu Bóng Tối) do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội, Thái Nguyên và nước thải làng nghề Bắc Ninh chưa qua xử lý, xả thải ra lưu vực sông.

[Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí quốc gia tự động]

Kết quả phân tích WQI của Tổng cục Môi trường cho thấy trên các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, sông Mã-Chu, sông Cả La (sông Lam, sông La), môi trường nước sông khá sạch, nước sông sử dụng được cho các mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích khác.

Trong khi đó, lưu vực sông Nhuệ-Đáy và lưu vực sông Cầu, ô nhiễm vẫn tiếp diễn trên các điểm nóng về môi trường.

Tại lưu vực sông Cầu, ô nhiễm xuất hiện chính trên sông Ngũ Huyện Khê, tại điểm quan trắc Cầu Đào Xá (WQI = 12). Nguyên nhân do tiếp nhận nước thải làng nghề giấy Phong Khê-BắcNinh, giá trị BOD5 (oxy hoá 5 ngày) là 133 mg/L, cao gấp 9 lần so với Quy chuẩn Việt Nam (15mg/L).

Khu vực suối Bóng Tối cũng thường xuyên bị ô nhiễm do nước thải từ các khu dân cư thành phố Thái Nguyên. Cụ thể, giá trị N-NH4 cao gấp 31 lần  Quy chuẩn Việt Nam (0,9 mg/L).

Đối với lưu vực sông Nhuệ-Đáy, ô nhiễm vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu được cải thiện tại dòng chính sông Nhuệ và các đoạn sông nội thành Hà Nội. Giá trị các thông số COD, BOD5 cao gấp 5-6 lần so với Quy chuẩn Việt Nam. Chất lượng nước sông Đáy tốt hơn so với sông Nhuệ./.

Chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với không khí và nước tại khu vực phía Bắc năm 2020 được triển khai tại 28 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục