Chất lượng dân số - 'chìa khóa vàng' mở cánh cửa phát triển bền vững

Mặc dù đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển chung của đất nước song công tác dân số hiện còn gặp nhiều thách thức, lợi thế “dân số vàng” chưa được phát huy hiệu quả.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho người dân xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Theo nhận định của các chuyên gia, chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều bước tiến và thách thức

Sau 28 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và lượng.

Ngành dân số đã đạt được những thành tựu rực rỡ về cả quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tính đến năm 2019, quy mô dân số Việt Nam đạt mốc trên 96,2 triệu người, tốc độ, tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14% năm.

Đến năm 2020, dân số Việt Nam đạt 97,58 triệu người. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Dân số Việt Nam hiện đạt trên 99 triệu người, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Cụ thể, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh đạt 73,7 tuổi năm 2020 và cao hơn so với trung bình chung của khu vực Đông Nam Á. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh.

Năm 2020, IMR là 13,9 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống. U5MR là 22,3 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể, năm 2020 nam đạt 168,1cm, nữ đạt 156,2cm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%.

Trình độ dân trí của người Việt đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo hơn. Hầu hết người dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đều biết đọc, biết viết.

Theo báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt nam tăng qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 năm 2019.

Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ năm 2007 với số lượng và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động lớn. Theo dự báo dân số mới nhất, thời kỳ này sẽ kéo dài đến năm 2038.

Để tận dụng lợi thế của thời kỳ “dân số vàng," Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách, đặc biệt là các chính sách về phát triển nguồn nhân lực và gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Kết quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trung bình giai đoạn 2011-2018 là 6,21%/năm.

['Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai còn rất đáng lo ngại']

Mặc dù đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển chung của đất nước song công tác dân số hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là chất lượng dân số còn hạn chế; chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khoẻ mạnh thấp so với nhiều nước. Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở một số dân tộc ít người. Lợi thế “dân số vàng” chưa được khai thác và phát huy hết hiệu quả.

Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội chưa được chú trọng đúng mức. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở cấp cơ sở còn thấp; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số thấp, chưa tương xứng với yêu cầu trong giai đoạn mới.

Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số là yếu tố quyết định thắng lợi hay thất bại trong quá trình cạnh tranh cũng như phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang ngày càng phát triển đúng hướng. Đất nước phát triển, nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao thì chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu.

Nếu chất lượng thể chất, tinh thần, trí tuệ của đội ngũ lao động không đáp ứng được, đất nước sẽ không thể vượt qua thách thức của thời đại mới, dần bị tụt hậu… Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng dân số cần được đặt lên hàng đầu và cần có các chính sách can thiệp ưu tiên để thực hiện.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để góp phần thực hiện nâng cao chất lượng dân số, trong thời gian qua, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình như: tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát (sàng lọc) trước sinh và sơ sinh; can thiệp truyền thông để giảm thiểu hôn nhân cận huyết, tình trạng có thai ngoài ý muốn, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi…

Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 10.000 huyện, xã. Từ mô hình này đã phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường.

Mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố góp phần nâng cao nhận thức, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn cho rất nhiều thanh niên; đồng thời truyền thông giảm thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại nhiều địa bàn “nóng” về tình trạng này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục.

Nhân viên y tế huyện Mường Chà (Điện Biên) truyền thông cho các bà mẹ về cách chăm sóc sức khỏe trẻ em khi trời trở rét, giao mùa. (Ảnh: TTXVN)

Trong thời gian tới, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tập trung đầu tư ở một số địa bàn trọng điểm, nhất là tại khu công nghiệp, khu kinh tế và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận như vùng sâu, xa nhằm từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và cải thiện đời sống tinh thần cho người cao tuổi.

Để thực hiện các mục tiêu của công tác dân số nói chung và nâng cao chất lượng dân số nói riêng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng cho rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Đó là xây dựng hệ thống thông điệp để truyền thông phù hợp với đặc điểm dân số từng vùng, địa phương; tăng cường truyền thông sâu rộng để các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện theo thông điệp.

Mặt khác, cần vận động các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ủng hộ, quan tâm, chỉ đạo ở địa bàn và huy động nguồn lực của địa phương tham gia thực hiện các nhiệm vụ của công tác dân số.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các loại hình cung cấp hàng hóa và dịch vụ để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng, tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ làm công tác dân số, đầu tư hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Công tác dân số không chỉ là thực hiện các biện pháp hành chính, tài chính mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân để truyền thông, vận động người dân thực hiện đúng chính sách dân số.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 137/NQ-CP, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, đề án do Chính phủ ban hành chỉ rõ; việc phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện cũng rất rõ ràng, việc cần làm là phải đẩy mạnh tổ chức thực hiện; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, bộ máy tổ chức để thực hiện; tăng cường đầu tư để hiện thực hoá các nhiệm vụ và giải pháp.

Ông Phạm Vũ Hoàng cho rằng quan trọng nhất là thay đổi, thống nhất được nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Muốn thay đổi nhận thức thì phải đẩy mạnh truyền thông, vận động.

Khi đã thay đổi và thống nhất được nhận thức thì sẽ có các biện pháp để huy động nguồn lực thực hiện tốt công tác dân số nói chung, đặc biệt là đạt được các mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng dân số trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục