“Năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác động, ảnh hưởng trước dự báo tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự đi xuống từ kinh tế Trung Quốc,” đó là nhận định của ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2016,” ngày 22/1.
Ông Vũ Bằng chỉ ra, thị trường tài chính toàn cầu còn tiếp tục bất ổn với sự sụt giảm mạnh từ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thêm vào đó, các vấn đề về tỷ giả liên quan đến việc nâng lãi suất của Mỹ khiến các dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Cộng thêm diễn biến giá dầu sụt giảm cùng với sự xung đột kinh tế giữa các quốc gia đang tạo ra những thách thức lớn.
Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có sự cải thiện về doanh thu và lợi nhuận, song vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi, liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa còn rất hạn chế. Năm 2015, tình trạng nhập siêu đã quay trở lại sau ba năm liền xuất siêu, cán cân thương mại thâm hụt 3,2 tỷ USD.
Theo ông Vũ Bằng, cần nhìn nhận các yếu tố bất lợi để có những quyết sách đúng đắn cho sự phát triển của thị trường. Mục tiêu năm tới, Ủy ban tiếp tục đưa ra các giải pháp duy trì sự ổn định và tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tiến tới giai đoạn phát triển thị trường theo chiều sâu, hòa nhập quốc tế đồng thời nâng hạng thị trường.
Để làm được điều đó, một trong những giải pháp tiên quyết được hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị đề cập là nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trên thị trường.
Đại diện Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Anh Đào Phó Tổng giám đốc nhấn mạnh, chất lượng hàng hóa, đặc biệt là chất lượng quản trị công ty tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách với các thị trường khu vực. Top 50 công ty dẫn đầu về điểm quản trị công ty khu vực ASEAN năm 2015, không có đại diện nào của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp niêm yết nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty vẫn còn hạn chế, đa số chỉ tuân thủ những quy định đơn giản. Phát triển bền vững được đặt ra trên thị trường song việc thực hiện còn nhiều khó khăn,” bà Đào nói.
Tăng cường chất lượng hàng hóa niêm yết không thể tách rời với hoạt động minh bạch thông tin. Điều này cần được thực hiện thông qua việc nâng cao chất lượng quản trị công ty đạt ngang bằng chuẩn khu vực.
Một vấn đề khác tưởng như rất đơn giản, song vẫn được nhắc tới trong Hội nghị, đó là việc thực hiện minh bạch thông tin bằng việc cung cấp thông tin đồng bộ bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt trên các trang web của công ty đại chúng, các sở giao dịch, Ủy ban chứng khoán… Bởi, nhà đầu tư nước ngoài không biết tiếng Việt, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận thông tin đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một đề xuất giải pháp khá cứng rắn, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, “cần phải nâng chuẩn niêm yết đối với các công ty đại chúng, nhằm đảm bảo chất lượng chứng khoán niêm yết. Theo đó, những công ty không đạt chuẩn phải kiên quyết đưa xuống giao dịch tại sàn UpCoM”./.