"Chất lượng an toàn bay và an toàn an ninh là vấn đề quan trọng"

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không để xảy ra tình huống mất an toàn."
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sáng 16/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ chất lượng điều hành bay, chất lượng an toàn bay và an toàn an ninh là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tăng trưởng nhưng phải đảm bảo được an ninh, an toàn bay.

An toàn là điều kiện tiên quyết

Nhắc đến lỗi do chủ quan làm gián đoạn dịch vụ không lưu tại Đài kiểm soát không lưu Cát Bi (Hải Phòng), Bộ trưởng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không để xảy ra tình huống mất an toàn." Cả ba Tổng Công ty đều phải có trách nhiệm trong vấn đề này, đây là điều kiện tiên quyết. Ngành phải có giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kiểm soát không lưu.

Về đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn thông tin bay, Bộ trưởng lưu ý đây là vấn đề rất quan trọng đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cần có biện pháp nâng cao quản trị bay, khắc phục triệt để, không để tái diễn tình huống bị tấn công mạng dẫn tới đình trệ các chuyến bay. Cùng với đó là việc kiểm soát an ninh sân bay.

"Tại sao có những sân bay kiểm soát rất tốt, ma túy không lọt vào được, nhưng có sân bay khác không phát hiện được hay không có ma túy đi qua? Cần có sự kiểm soát chặt chẽ và khách quan, không để đối tượng tội phạm ma túy," Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ lưu ý vấn đề văn minh hàng không, hiệu quả hàng không và lợi nhuận hàng không. Sáu tháng đầu năm, doanh thu của ngành tăng trên 10% nhưng lợi nhuận sau thuế không tăng tương ứng với doanh thu và hành khách.

Ngành cần tính toán hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, doanh thu tăng thì lợi nhuận sau thuế cũng phải tăng lên. Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải và ACV cần nghiên cứu, có giải pháp quyết liệt.

Nhắc nhở ngành hàng không phải có chiến lược căn cơ đầu tư đội tàu bay, nâng cao năng lực quản trị, khai thác, tiết kiệm chi phí, nâng chất lượng phục vụ nhưng vẫn phải bảo đảm giá vé hợp lý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đề nghị ngành hàng không cần tận dụng cơ hội để tiếp tục đà tăng trưởng 17-20%/năm thời gian qua; đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, hiện tiến độ cổ phần hóa tại ACV còn chậm.

Nâng cao chất lượng điều hành bay

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay (VATM) Phạm Việt Dũng cho biết việc quản lý an toàn được đảm bảo theo yêu cầu. Hiện nay, các chỉ số về an toàn bay theo Bộ chỉ số mà Cục Hàng không đặt ra đều ở mức thấp hơn mức quy định. Các sự cố trong quá trình hoạt động đều tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai khắc phục triệt để, không để xảy ra sự cố mất an toàn trong quá trình khai thác, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Với các hạ tầng trên không để đảm bảo công tác an ninh quốc phòng, không phận, VATM phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong quân đội đảm bảo an ninh tuyệt đối hoạt động trên không. 21 sân bay đều có đài kiểm soát không lưu, có các trạm radar, đài dẫn đường và các trạm thông tin khác, đảm bảo chặt chẽ các khu vực đóng quân trên địa bàn cảng hàng không cũng như ngoài cảng hàng không. Đến nay, tình hình an ninh thông tin, an ninh cơ sở vật chất, an ninh nội bộ luôn được đảm bảo. Với VATM, vấn đề an ninh thông tin chưa xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Về năng lực, nâng cao chất lượng điều hành bay, đảm bảo an toàn, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Tổng Công ty triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực quản lý điều hành hành bay như đưa vào cặp đường bay song song trục Bắc-Nam để giải quyết cơ bản ách tắc đường bay này, thay đổi các phương thức bay mới đối với 3 cảng hàng không lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng.

Phương thức bay mới cùng với hệ thống đường bay mới sẽ tạo giảm tải cho kiểm soát viên không lưu và phi công, tiết kiệm thời gian bay và giảm chi phí về xăng dầu, thời gian bay chờ, giảm thời gian liên lạc giữa phi công và kiểm soát viên, giảm tải cả trên trời và dưới mặt đất.

Ngoài ra, VATM thực hiện nhiều giải pháp bổ sung khác như nâng cao năng lực, tổ chức lại vùng trời, bổ sung nhân lực giảm tải cho các kiểm soát viên không lưu, phối hợp với các Tổng Công ty giải quyết thời gian tắc nghẽn, giảm thời gian chờ của các chuyến bay.

Vận chuyển hàng hóa lên máy bay của Vietnam Airlines tại Cảng Hàng không Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Về tần suất bay, ông Phạm Việt Dũng cho biết với sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đang điều tiết với tần suất 42 chuyến/giờ (trung bình 1,5 phút/chuyến), ở sân bay Nội Bài là 35 chuyến/giờ. Mục tiêu của Tổng công ty là sẽ giảm dần, tiến đến còn 1 phút/chuyến. Trên thực tế, vào những giờ cao điểm, có lúc, kiểm soát viên không lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất đã điều hành lên đến 48 chuyến/giờ.

Nêu rõ vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là tình hình hủy, hoãn chuyến bay, Bộ trưởng đặt câu hỏi nguyên nhân của tình trạng hủy hoãn là do đâu, hạ tầng, kỹ thuật hay thiết bị bay? Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành hàng không đang được hành khách đánh giá rất cao, chất lượng những năm sau so với trước tăng rất nhiều. Tuy có sự cạnh tranh quyết liệt, phát triển tốt, chất lượng điều hành dịch vụ tăng lên nhưng vấn đề hủy, hoãn chuyến bay cần xem lại. Các bên cần quan tâm, có giải pháp khắc phục triệt để việc hủy, hoãn chuyến bay do chủ quan, thiếu ý thức, trách nhiệm bởi sơ sẩy là khôn lường, Bộ trưởng chỉ đạo. 

Nhắc lại yêu cầu ngành hàng không phải nghiêm khắc với vấn đề liên quan đến chậm, hủy chuyến, đó là kỷ luật số 1, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn "hành khách không chấp nhận chuyện delay báo 1 tiếng, sau lại báo delay tiếp 1 tiếng nữa." Theo số liệu, trong 7 tháng năm 2017, tỷ lệ đúng giờ của Vietnam Airlines tăng mạnh so với năm trước nhưng cũng vẫn có tỷ lệ 10-15%. Trong khi đó, các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet, Jestar tỷ lệ hủy, hoãn còn rất cao.  Với những đơn vị để xảy ra việc hoãn hủy nhiều, Bộ trưởng Mai Tiế Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần phải có biện pháp xử lý.

Tán đồng ý kiến này, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra kiến nghị cần phạt thật nặng những chuyến bay chậm do lỗi chủ quan. 

Về vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn năng lực, nâng cao năng suất lao động, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là vấn đề mà Thủ tướng và Chính phủ quan tâm nhưng chưa thấy có những thay đổi rõ rệt ở ngành hàng không. Theo ông, quản lý bay hiện là độc quyền Nhà nước nhưng tiến tới không nên giữ thêm độc quyền mà cần tạo cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội. Ở nhiều nước, sân bay tư nhân rất nhiều, Việt Nam cũng nên nghiên cứu việc này.

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định: Dư địa lợi thế của ngành hàng không là rất lớn, vì vậy yêu cầu các Tổng Công ty đổi mới về quản trị, công nghệ, tư duy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực sự phải cạnh tranh thị trường quyết liệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục