Kỷ Sửu qua, Canh Dần tới. Trâu đi Hổ lại. Cứ 12 năm, hổ thời gian quay lại một lần nhưng hổ nghệ thuật một khi đã sinh ra thì ở mãi với con người.
Ngay từ thời Trần, hổ đã chính thức đi vào nghệ thuật bằng những tượng tròn ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình), lăng Trần Hiến Tông (Quảng Ninh), bằng hình chạm bẹt ở bệ đá chùa Quế Dương, Hà Tây. Con nằm, con ngồi, con nào cũng sinh động lạ thường, hiền lành mà uy oai.
Hổ ở lăng Trần Thủ Độ sau nhiều năm ở ngoài trời đã về ngự trong bảo tàng, trở thành tài sản nghệ thuật vô giá.
Các nghệ sĩ xưa không lệ thuộc vào con vật mẫu mình thấy mà nắm chắc đặc tính của hổ, tổng hợp cái đẹp của nhiều con thú khác nhau, rồi cách điệu với thủ pháp vừa khỏe mạnh vừa phóng khoáng. Nhờ đó, đã tạo nên hình ảnh con hổ rất đẹp với đầu nghểnh cao đung đưa bờm phủ gáy, toàn thân bắp thịt nổi lên khỏe khoắn.
Những con hổ đá thời Lê ở Lam Sơn, Thanh Hóa và tại hàng loạt công trình đình làng ở khắp mọi vùng quê, các nghệ sĩ dân gian cũng đã để lại cho chúng ta rất nhiều hình mẫu khác nhau về hổ.
Hổ đá thường ở thế tĩnh, đồng loại của chúng trên gỗ bao giờ cũng đông đảo, mạnh mẽ nhất.
Dù ở trạng thái tĩnh hay động thì khi loài hổ hòa cùng hoạt động của con người sẽ tạo thành những hoạt cảnh vui mắt và nhộn nhịp.
Đơn cử như ở đình Chu Quyến, Hà Tây, trong hoạt cảnh táng mả vào hàm rồng, có cảnh một con hổ thon lẳn vừa há miệng, quẫy đuôi vui vẻ, vừa theo chân cậu bé Đinh Bộ Lĩnh cũng đang hăm hở và láu lỉnh đưa gói xương cốt vào miệng rồng. Con hổ ở đây mắt ánh lên rạng ngời, răng hơi nhe ra, mang dáng điệu dễ thương của một chú chó nhỏ.
Đình Chảy, Hà Nam Ninh thì có cảnh người đấu hổ hết sức khẩn trương. Trên võ đài, võ sĩ mình trần đóng khố, tay mộc tay dao, mặt rất hân hoan, nhanh nhẹn dùng trí đấu với sức mạnh của con hổ vằn còn con hổ thì đang dồn hết sức mạnh xông vào võ sĩ.
Hai chân trước con hổ như muốn cào muốn xé tan đối thủ, răng thì nhe ra, mắt gườm gườm... nhưng phần thắng ắt sẽ thuộc về người võ sĩ quả cảm và mưu trí.
Đình Thổ Tang, Vĩnh Phú lại chạm cảnh người săn hổ. Người thợ săn giáp trận, bình tĩnh bắn súng kíp, còn con hổ có lẽ đã quẫn trí, nhe miệng ra kêu tuyệt vọng, đưa chân sau lên gãi tai, buồn bã...
Hình hổ quen thuộc nhất với mọi người hẳn là ở những bức tranh Hàng Trống, Hà Nội. Trong những bức vẽ ấy, hổ khi thì đơn độc, khi lại thành bầy 5 con.
Hổ được các nghệ sĩ dân gian tập trung khắc họa những chi tiết cơ thể theo một cử động nhất định, tĩnh tại nhưng lại như muốn vọt lên, linh hoạt nhưng vẫn mềm mại. Dường như con nào cũng muốn nhảy khỏi khung tranh để tham gia cuộc sống thực.
Nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam thường dùng mô típ “hổ vồ mồi”, “hổ trông trăng”, “hổ và đại bàng”... để diễn tả sức mạnh của loài thú sơn lâm. Tuy nhiên, các nghệ sĩ ngày nay đã tránh được lối mòn trong nghệ thuật cổ.
Họ không dùng cái “cương” để thể hiện sức mạnh, cũng chẳng “vẽ mây để vờn trăng”, mà dùng ngay cái “nhu”, cái “mềm” để biểu hiện chất “hùng”, chất “thép”, khai thác nó ở ngay những hình ảnh bình thường nhất nhưng đầy ý vị./.
Ngay từ thời Trần, hổ đã chính thức đi vào nghệ thuật bằng những tượng tròn ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình), lăng Trần Hiến Tông (Quảng Ninh), bằng hình chạm bẹt ở bệ đá chùa Quế Dương, Hà Tây. Con nằm, con ngồi, con nào cũng sinh động lạ thường, hiền lành mà uy oai.
Hổ ở lăng Trần Thủ Độ sau nhiều năm ở ngoài trời đã về ngự trong bảo tàng, trở thành tài sản nghệ thuật vô giá.
Các nghệ sĩ xưa không lệ thuộc vào con vật mẫu mình thấy mà nắm chắc đặc tính của hổ, tổng hợp cái đẹp của nhiều con thú khác nhau, rồi cách điệu với thủ pháp vừa khỏe mạnh vừa phóng khoáng. Nhờ đó, đã tạo nên hình ảnh con hổ rất đẹp với đầu nghểnh cao đung đưa bờm phủ gáy, toàn thân bắp thịt nổi lên khỏe khoắn.
Những con hổ đá thời Lê ở Lam Sơn, Thanh Hóa và tại hàng loạt công trình đình làng ở khắp mọi vùng quê, các nghệ sĩ dân gian cũng đã để lại cho chúng ta rất nhiều hình mẫu khác nhau về hổ.
Hổ đá thường ở thế tĩnh, đồng loại của chúng trên gỗ bao giờ cũng đông đảo, mạnh mẽ nhất.
Dù ở trạng thái tĩnh hay động thì khi loài hổ hòa cùng hoạt động của con người sẽ tạo thành những hoạt cảnh vui mắt và nhộn nhịp.
Đơn cử như ở đình Chu Quyến, Hà Tây, trong hoạt cảnh táng mả vào hàm rồng, có cảnh một con hổ thon lẳn vừa há miệng, quẫy đuôi vui vẻ, vừa theo chân cậu bé Đinh Bộ Lĩnh cũng đang hăm hở và láu lỉnh đưa gói xương cốt vào miệng rồng. Con hổ ở đây mắt ánh lên rạng ngời, răng hơi nhe ra, mang dáng điệu dễ thương của một chú chó nhỏ.
Đình Chảy, Hà Nam Ninh thì có cảnh người đấu hổ hết sức khẩn trương. Trên võ đài, võ sĩ mình trần đóng khố, tay mộc tay dao, mặt rất hân hoan, nhanh nhẹn dùng trí đấu với sức mạnh của con hổ vằn còn con hổ thì đang dồn hết sức mạnh xông vào võ sĩ.
Hai chân trước con hổ như muốn cào muốn xé tan đối thủ, răng thì nhe ra, mắt gườm gườm... nhưng phần thắng ắt sẽ thuộc về người võ sĩ quả cảm và mưu trí.
Đình Thổ Tang, Vĩnh Phú lại chạm cảnh người săn hổ. Người thợ săn giáp trận, bình tĩnh bắn súng kíp, còn con hổ có lẽ đã quẫn trí, nhe miệng ra kêu tuyệt vọng, đưa chân sau lên gãi tai, buồn bã...
Hình hổ quen thuộc nhất với mọi người hẳn là ở những bức tranh Hàng Trống, Hà Nội. Trong những bức vẽ ấy, hổ khi thì đơn độc, khi lại thành bầy 5 con.
Hổ được các nghệ sĩ dân gian tập trung khắc họa những chi tiết cơ thể theo một cử động nhất định, tĩnh tại nhưng lại như muốn vọt lên, linh hoạt nhưng vẫn mềm mại. Dường như con nào cũng muốn nhảy khỏi khung tranh để tham gia cuộc sống thực.
Nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam thường dùng mô típ “hổ vồ mồi”, “hổ trông trăng”, “hổ và đại bàng”... để diễn tả sức mạnh của loài thú sơn lâm. Tuy nhiên, các nghệ sĩ ngày nay đã tránh được lối mòn trong nghệ thuật cổ.
Họ không dùng cái “cương” để thể hiện sức mạnh, cũng chẳng “vẽ mây để vờn trăng”, mà dùng ngay cái “nhu”, cái “mềm” để biểu hiện chất “hùng”, chất “thép”, khai thác nó ở ngay những hình ảnh bình thường nhất nhưng đầy ý vị./.
Hoàng Phúc (Vietnam+)