"Kịch bản" căng thẳng quan hệ Nga-Anh liên quan tới chất độc thần kinh Novichok tưởng chừng tạm lắng nay có vẻ đang được "xới lại," thậm chí có nguy cơ tồi tệ hơn sau khi cảnh sát Anh thông báo vừa xảy ra một vụ nghi bị đầu độc mới tương tự cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc hồi tháng Ba vừa qua tại thành phố Salisbury, miền Nam nước Anh.
Cũng tương tự như vụ Skripal, ngay lập tức, Anh cho rằng Nga có liên quan, trong khi Moskva bác bỏ mọi sự dính líu và gọi đây là "trò chơi chính trị."
Cảnh sát Anh thông báo một phụ nữ 44 tuổi và một người đàn ông 45 tuổi đã được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh vào ngày 30/6 tại một ngôi nhà ở Amesbury, cách Salisbury 11 km.
Giới chức Anh vào cuộc và nhanh chóng xác định chất độc thần kinh Novichok - loại chất độc được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal - là nguyên nhân khiến hai người này bất tỉnh và hiện được thông báo trong tình trạng nguy kịch.
Chính phủ Anh, một mặt thông báo cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) về vụ việc này, khẳng định đang điều tra khả năng vụ việc có liên quan vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal, mặt khác yêu cầu lời giải thích của Moskva.
Phản ứng của Nga đối với vụ việc này cũng rất mạnh mẽ, yêu cầu London phải xin lỗi Moskva và cộng đồng quốc tế sau những lời cáo buộc trên. Tuy nhiên, Nga cũng bày tỏ sẵn sàng phối hợp điều tra, như đã đề nghị với Anh trong vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal.
Vụ nghi đầu độc mới lập tức gây sự chú ý đặc biệt bởi nó được đưa vào vào thời điểm có thể nói là rất nhạy cảm. Sau thời gian quan hệ Nga-phương Tây căng thẳng tới đỉnh điểm, mà một phần là do vụ Skripal, trong hơn 1 tháng trở lại đây, hình ảnh và vai trò của nước Nga trở nên nổi bật thông qua những hoạt động ngoại giao và đặc biệt là qua sự kiện World Cup 2018 đã đi được nửa chặng đường diễn ra ở 11 thành phố của "xứ sở Bạch Dương."
Quan hệ Nga và Mỹ có tín hiệu tích cực khi hai nước đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phần Lan ngày 16/7, sự kiện mà giới phân tích cho rằng đang khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu lo ngại.
[Hai công dân Anh bị nhiễm độc đã "cầm một vật dính chất độc"]
Việc lãnh đạo Nga-Mỹ xích lại gần nhau sau khi ông Trump có những tuyên bố và hành động gây bất hòa với các đồng minh của Washington ở cả Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G-7) lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được nhìn nhận chẳng khác gì "cái tát" đối với các nhà lãnh đạo phương Tây, nhất là Thủ tướng Anh Theresa May, người vốn đã "thành công" khi lôi kéo được nhiều nước NATO và Liên minh châu Âu (EU) trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga sau vụ Skripal.
Việc ông Trump kêu gọi Nga gia nhập trở lại G7 đang làm tăng thêm sự rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ-Anh cũng như thách thức "tình đoàn kết" xuyên Đại Tây Dương.
Lật lại hồ sơ vụ điệp viên Skripal trước đó, vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm Nga tiến hành bầu tổng thống nhiệm kỳ mới và chuẩn bị cho World Cup 2018, kéo theo là những tuyên bố kiểu "tẩy chay" World Cup ở Nga.
Điểm đáng lưu ý là vụ việc sau đó bất ngờ "chìm xuồng" nhanh chóng, đằng sau những cáo buộc, chỉ trích, lên án nhằm vào nước Nga và việc các nước Phương Tây ồ ạt trục xuất nhà ngoại giao Nga, dẫn tới việc Moskva có động thái đáp trả, vụ đầu độc Skripal cho tới nay vẫn "trong màn sương mù."
Chẳng những thế, nước Nga hầu như không "hề hấn" gì sau những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan vụ Skripal, uy tín của Tổng thống Nga Putin sau khi tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 18/3 tiếp tục gia tăng.
Những nỗ lực nhằm "cô lập" Nga liên quan tới vụ Spripal có vẻ đã thất bại bởi nhiều nước không tham gia trừng phạt Nga, hơn nữa một loạt nước còn tìm cách "tiếp xúc" với Moskva để giải quyết các vấn đề chung.
Sự tham dự của một số lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg diễn ra hồi tháng 5; cuộc gặp sau đó của ông Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại khu nghỉ dưỡng Sochi và chuyến thăm của ông Putin tới Áo để hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Sebastian Kurz vào đầu tháng 6. Và giờ đây là việc Nga và Mỹ tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh.
Bởi vậy, trong vụ việc nghi đầu độc mới lần này, phía Nga có cớ để nghi ngờ rằng có vẻ như lại có thêm một âm mưu nữa nhằm phá hỏng không khí tích cực hiện nay. Giới chức Nga cho rằng việc Anh nhanh chóng gắn hai vụ việc với nhau, cũng như nhanh chóng xác định chất độc thần kinh Novichok - chất độc mà phương Tây cho là do Liên Xô tạo ra trong thời Chiến tranh lạnh, là "có chủ ý" để hướng dư luận tin vào "giả thuyết" về "bàn tay" của Nga, qua đó "làm xấu" hình ảnh của nước Nga.
Nhà nghiên cứu chính trị Aydın Sezer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở Istanbul, cho rằng các nước phương Tây đã lợi dụng vụ Skripal để thổi phồng tâm lý bài Nga và chống lại Tổng thống Putin, bằng cách mô tả Nga "như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự thế giới."
Tuy nhiên, khi mọi chuyện diễn ra không đúng "kịch bản" này, thì câu chuyện chất độc thần kinh Novichok hoàn toàn có thể lặp lại bởi "một chiến dịch chống Nga" đã được chuẩn bị từ trước.
Chắc chắn rằng quan hệ Anh-Nga sẽ tiếp tục “rơi tự do” sau vụ việc mới này, dù cho tới nay hai bên chưa có những động thái ngoại giao cứng rắn như vụ Skripal.
Sự đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây như vậy cũng tiếp tục leo thang và hoàn toàn có thể vượt ra ngoài mọi giới hạn khủng hoảng với những hậu quả khôn lường./.