"Từ Ban chỉ đạo 389 thành phố, đến việc phối hợp các lực lượng như: công an, thuế, hải quan, quản lý thị trường, kể cả Ban chỉ đạo các quận huyện, phải kết nối điều hành mới tạo ra được sức mạnh, chứ còn của anh, của tôi, không sát cánh thì kết quả đạt được sẽ rất hạn chế."
Đây là ý kiến của ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức ngày 24/1, tại Hà Nội.
[Quản lý thị trường: Không 'bình mới rượu cũ', phải tổ chức chính quy]
Theo ông Thế, với số lượng xử phạt và bắt giữ trong năm 2018, so với 63 tỉnh thành, Hà Nội chiếm 1/4 thu ngân sách của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Tuy vậy, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, từ đường hàng không, đường sắt, đến đường bộ, đặc biệt ông lưu ý Hà Nội trong việc kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hơn đối với hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống.
Nhấn mạnh đến những giải pháp, ông Thế cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật thì vấn đề con người là quan trọng nhất.
Từ vụ việc đáng tiếc xảy ra ở biên giới Lạng Sơn, khiến nhiều chiến sỹ biên phòng bị cắt chức hay vụ việc cán bộ Cục Quản lý thị trường Nghệ An gây phiên hà cho doanh nghiệp, ông Thế lưu ý, nếu không có sự giám sát và nâng cao trách nhiệm sẽ rất dễ dẫn đến vi phạm.
Theo thống kê, năm 2018, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 34.835 vụ, xử lý 28.649 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng cấm và vi phạm sở hữu trí tuệ. Con số này tăng 2.506 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đắc Lộc, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội) cho biết, trong năm vừa qua, công tác kiểm tra, kiểm soát của Ban chỉ đạo 389/TP triển khai có trọng tâm, trọng điểm, do vậy đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm lớn liên quan đến buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ...
Kết quả này đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường, bình ổn giá cả, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, nhất là các loại gia súc, gia cầm, hoa quả hay các chất phụ gia thực phẩm, hỗ trợ chế biến thực phẩm... vẫn còn tồn tại.
Riêng Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 710 lượt cơ sở, trong đó xử lý 519 cơ sở liên quan đến An toàn thực phẩm với số tiền phạt lên tới gần 8,9 tỷ đồng.
Tại hội nghị, ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức cho rằng, cái khó là đầu vào của nguyên liệu không được sản xuất tại chỗ mà nhập từ các tỉnh hoặc từ nước ngoài nên việc kiểm soát chất lượng rất khó.
Do vậy theo ông, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát thị trường thì việc tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa thực phẩm không rõ nguồn gốc./.