Trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề buổi tiêu hủy 1.234 sản phẩm vi phạm hành chính sở hữu công nghiệp, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng cho biết tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam diễn ra rất tinh vi.
- Xin ông cho biết diễn biến vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay?
Ông Trần Minh Dũng: Trong quá trình hội nhập, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ luôn được đặt ra và một trong những vấn đề quan ngại chính là thực thi quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Trong những năm qua, dưới sự nỗ lực của Chính phủ, Nhà nước, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm ở nhiều góc độ khác nhau. Chúng ta những có biện pháp dân sự mà còn áp dụng các biện pháp hình sự, hành chính để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ luôn luôn thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài việc thực hiện cam kết mà Việt Nam tham gia thì nó còn là một trong những điều mà chúng ta mong muốn là phát triển, đầu tư khoa học công nghệ, đưa ra nhiều sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao.
Trong những năm qua, chúng tôi thường tổ chức 50, 60 cuộc thanh tra. Ví dụ như năm 2015, Thanh tra Bộ đã tiến hành 54 cuộc thanh tra, xử lý 40 cơ sở, xử phạt trên 1,6 tỷ đồng.
Qua các cuộc thanh tra, có thể thấy tình trạng vi phạm ngày càng tinh vi phức tạp hơn nên rất cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý để xử lý.
Vừa qua, 9 Bộ, ngành vừa ký chung Chương trình 168 để phối hợp tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ thực thi, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội…
- Có ý kiến cho rằng, khung xử phạt hiện nay còn thấp và không đủ sức răn đe, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Ngoài hình thức xử phạt tiền, chúng tôi còn tịch thu hàng để tiêu hủy. Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng, bên cạnh đó còn tùy theo mức độ, tính chất của hàng hóa vi phạm để chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Các biện pháp trên cho thấy, hình phạt của chúng ta không phải là không đủ sức răn đe.
Chúng ta gia nhập TTP, để quản lý tốt hơn, sắp tới sẽ có thêm nhiều biện pháp hình sự. Bên cạnh đó, cần cảnh báo, tuyên truyền mạnh mẽ hơn để giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Thực tế, lượng hàng giả vẫn còn dù đã có sự xử lý quyết liệt từ cơ quan chức năng. Việc này cho thấy các đối tượng vi phạm luôn bất chấp và mức độ vi phạm cũng ngày càng tinh vi hơn, khó phân biệt so với hàng thật để vượt qua tai mắt của cơ quan quản lý.
- Cuối năm bao giờ cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái lộng hành. Thời gian tới, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào những mặt hàng nào để kiểm tra?
Ông Trần Minh Dũng: Ở thời điểm này, các mặt hàng tiêu dùng thường nhiều, chúng ta phải tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết. Xác định đây là những mặt hàng chủ chốt, Ban Chỉ đạo 389 đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành thanh kiểm tra các mặt hàng trên.
Đây cũng là mảng mà Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm và sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các chủ thể quyền để giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
- Xin cảm ơn ông!