Với tâm niệm “nếu không làm được điều gì to lớn thì hãy bắt đầu bằng việc nhỏ bé để giúp đỡ những người xung quanh,” trong 8 năm tham gia hiến máu tình nguyện, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thanh (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã có 100 lần hiến máu. Con số khiến không ít người ngưỡng mộ.
Tích cực hiến máu vì người bệnh
Năm 2014, khi là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp (Hà Nội), trong một lần đi xe buýt, Nguyễn Văn Thanh tình cờ thấy các bạn tình nguyện viên đi tuyền truyền về hiến máu. Lúc đó, vì tò mò nên anh cũng đăng ký đi hiến máu.
Nguyễn Văn Thanh chia sẻ khi đó ở bệnh viện, nhu cầu của người bệnh về tiểu cầu cao nhưng có ít người biết. Sau 3 lần hiến máu tình nguyện, anh được tư vấn hiến tiểu cầu.
Những lần đến bệnh viện hiến máu và tiểu cầu, anh bắt gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương và biết thêm nhiều câu chuyện xúc động. Những hình ảnh, câu chuyện ấy đã thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Văn Thanh tiếp tục tham gia tình nguyện hiến máu và tiểu cầu nhiều lần hơn nữa để giúp người bệnh duy trì sự sống mỗi ngày.
[Thầy giáo vùng sâu 50 lần tình nguyện hiến máu cứu người]
Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần hiến máu toàn phần liên tiếp là gần 3 tháng còn hiến tiểu cầu thì sau 21 ngày là có thể hiến tiếp nên chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1996 tham gia cả hai hình thức.
Sau mỗi lần hiến máu, anh được cấp giấy chứng nhận để khi cần truyền máu thì sẽ nhận lại lượng máu miễn phí bằng số lượng máu đã hiến. Mỗi năm anh hiến tiểu cầu khoảng 14-15 lần.
Có lần anh bị tai nạn phải mổ tay, không đi hiến máu được trong mấy tháng liền, bản thân anh lại cảm thấy “nhớ,” nên khi sức khỏe ổn định, Nguyễn Văn Thanh lại đi tình nguyện hiến máu ngay.
Năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội nhưng Nguyễn Văn Thanh vẫn đều đặn đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tham gia hiến máu.
Bởi hơn ai hết, chàng trai trẻ hiểu được dịch bệnh đã gây khó khăn cho công tác tiếp nhận máu.
Lượng máu dự trữ của ngân hàng máu đang vơi đi mỗi ngày, trong khi nhu cầu của người bệnh thì không hề giảm. Vì thế anh chỉ tạm ngừng hiến máu khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội...
Đảm bảo sức khỏe để duy trì hiến máu
Để có sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, Nguyễn Văn Thanh cho biết, bản thân luôn duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và chơi thể thao hàng ngày.
Trước khi đi hiến máu, anh cân đối chế độ ăn như không ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, hạn chế rượu bia, càphê… Anh chủ động sắp xếp công việc cá nhân và đặc biệt luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của vợ.
Thanh chia sẻ, trước đây khi vợ Nguyễn Văn Thanh chưa hiểu về hiến tiểu cầu lại thấy chồng tháng nào cũng đều đặn đi hiến thì rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của chồng nên cũng có ý phản đối.
Thấy vậy, Thanh giành thời gian giải thích để vợ hiểu và biết thêm về những lợi ích của hiến máu tình nguyện. Thanh cũng kể cho vợ nghe những câu chuyện, hình ảnh xúc động mà anh được nghe và thấy mỗi khi tới hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Từ đó, vợ Thanh thêm hiểu và ủng hộ chồng tham gia hiến máu.
“Sau mỗi lần hiến máu, tôi thích ăn gì, cô ấy cũng mua về nấu để tôi nhanh chóng hồi phục sức khỏe,” Thanh chia sẻ.
Sau mỗi lần hiến máu, Thanh đều được bác sỹ dặn không được khuân vác, làm việc nặng hoặc tập thể thao gắng sức trong ngày lấy máu.
Tuy nhiên có một lần, vừa hiến máu về Thanh đã đi đá bóng nên bị choáng và ngất ngay tại sân. Sau lần đó, Thanh luôn đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ để người thân không phải lo lắng cho mình; đồng thời giữ gìn sức khỏe để không ảnh hưởng đến việc hiến máu.
Khi được hỏi có mong muốn gì, Thanh chỉ cười cho biết anh mong bản thân có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục tham gia hiến máu, tiểu cầu đều đặn và ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu cứu người để có thêm thật nhiều người bệnh tiếp tục duy trì được sự sống. “Khi còn sức khỏe, tôi sẽ còn tham gia hiến máu tình nguyện,” Thanh khẳng định.
Tiến sỹ, Bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương từng chia sẻ nguồn máu an toàn nhất là nguồn máu được tiếp nhận từ những người hiến máu thường xuyên.
Vì họ là những người có đủ kiến thức và luôn ý thức giữ gìn sức khỏe, tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ để có được nguồn máu an toàn, chất lượng dành cho người bệnh.
Nếu mỗi người dân đủ điều kiện sức khỏe duy trì hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu, theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu, thì hoạt động hiến máu tình nguyện sẽ phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, theo nhóm máu và người bệnh luôn có đủ máu để điều trị, duy trì cuộc sống./.