Chàng trai khởi nghiệp với nước tinh khiết cho thu nhập cả tỷ đồng

Về xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước) bà con khen người con Phạm Thế Sơn (sinh năm 1989) ở ấp Tân Hòa có chí thú khởi nghiệp làm ăn điển hình làm thanh niên trong xã trầm trồ noi theo.
Chàng trai khởi nghiệp với nước tinh khiết cho thu nhập cả tỷ đồng ảnh 1Phạm Thế Sơn tại khu sản xuất nước tinh khiết. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Về xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước) bà con khen người con Phạm Thế Sơn (sinh năm 1989) ở ấp Tân Hòa có chí thú khởi nghiệp làm ăn điển hình làm thanh niên trong xã trầm trồ noi theo.

Tốt nghiệp Đại học Bình Dương chuyên ngành công nghệ sinh học, nhưng sau thời gian cố gắng tìm kiếm cơ hội việc làm nơi thành thị không mang lại thành công, chàng sinh viên Thế Sơn đã quyết định quay trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình sản cung cấp tinh khiết cho bà con trong vùng.

Mô hình khởi nghiệp xuất phát điểm từ năm 2012 với cơ sở sản xuất nước tinh khiết quy mô nhỏ của Phạm Thế Sơn tọa lạc tại ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến.Anh Sơn cho biết: Lúc đầu trở về quê hương Bình Phước với hai bàn tay trắng nên cuộc sống anh Sơn gặp nhiều khó khăn. Nhờ mảnh đất gia đình anh có sẵn và số tiền tích góp được sau 2 năm đi làm, anh Sơn được sự ủng hộ của bạn bè người thân nên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây xưởng sản xuất, đầu tư các trang thiết bị, máy móc,… xây dựng cơ sở sản xuất nước tinh khiết Thế Sơn với nhãn hàng “SAMAKI” với tổng kinh phí đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng.

Để làm ra sản phẩm bảo đảm chất lượng đã khó, nhưng tìm được đầu ra còn khó hơn nhiều lần, nhất là với thị trường nông thôn. Với lợi thế là người địa phương, anh Sơn chịu khó gõ cửa hàng tạp hóa, nhà dân,… trên địa bàn để thuyết phục và tặng sản phẩm dùng thử.

Về sau anh Sơn đã từng bước mở rộng thị trường, số lượng sản phẩm bán ngày càng ổn định. Anh Sơn cho chia sẻ: “Khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất nước sạch đóng bình là súc, rửa bình phải bảo đảm sạch, tiệt trùng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, nếu súc bình không kỹ thì nước dù có đạt chất lượng cũng sẽ có mùi hôi. Cơ sở tôi luôn lấy uy tín, chất lượng, sự hài lòng của khách hàng làm phương châm hàng đầu”.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty anh Sơn cung cấp ra thị trường hàng ngàn bình nước loại 20 lít và hàng chục ngàn chai nước từ 350 ml đến 1,5 lít. Trung bình mỗi năm anh Sơn thu về trên 1 tỷ đồng.

Đầu năm 2018, với phương châm luôn tìm tòi, học hỏi cái mới, anh Sơn mạnh dạn đầu tư hệ thống sản xuất nước đóng chai cao cấp trên dây chuyền tự động sử dụng công nghệ lọc nước RO được nhập khẩu từ Nga với kinh phí lên tới gần 2 tỷ đồng. Qua đó, dây chuyền lọc nước này đã tiết kiệm chi phí nhân sự, tiết kiệm được nguồn nước đầu vào và 30% điện năng tiêu thụ. Các sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý nên ngày càng được nhiều khách hàng từ người dân đến các cơ quan, đơn vị tin dùng. Hiện nay nhãn hiệu nước tinh khiết “SAMAKI” của anh Sơn được nhiều khách hàng ở các huyện lân cận biết đến và tìm đến đặt hàng.

Với mặt bằng sản xuất công ty lên hơn 600 m2, chia thành 2 khu sản xuất riêng biệt, một khu sản xuất nước tinh khiết cao cấp và một khu xưởng sản xuất nước bình dân. Dự kiến năm 2018 tổng doanh thu của công ty vượt ngưỡng 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập ổn định với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ chỗ ở giúp người lao động yên tâm làm việc.

Công nhân công ty Trần Văn Quân (23 tuổi, xã Tân Tiến) cho biết: “Tôi làm ở đây được hai năm rưỡi. Công việc ở đây phù hợp với sức lao động ở vùng quê với mức lương đủ để chi tiêu hàng tháng cho bản thân, còn dư phụ giúp cho gia đình.

Ngoài phát triển kinh tế, anh Sơn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, quyên góp ủng hộ các gia đình hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi. Bí thư Hồ Bá Toàn, Huyện đoàn Bù Đốp cho biết: “Sơn là một thanh niên tiêu biểu tiên tiến, luôn tích cực tham gia phong trào thanh niên tại địa phương và có những sự hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện. Hằng năm trong những chương trình của đoàn đều có sự đóng góp hỗ trợ rất chủ động của Sơn đối với phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên Bù Đốp”.

Mô hình khởi nghiệp thanh niên Phạm Thế Sơn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế giúp cho những thanh niên trẻ trên đường lập thân, lập nghiệp chọn đúng hướng và làm giàu trên mãnh đất quê hương của mình sinh ra và lớn lên. Ý chí khởi nghiệp thành công của chàng thanh niên trẻ đã khích lệ, lan tỏa cho nhiều thanh niên trong vùng có quyết tâm với vươn lên phát triển kinh tế gia đình ở địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục