Chàng sinh viên dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với cách sáng tạo mới

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành “Truyện Kiều” song ngữ với bản dịch của Nguyễn Bình cùng bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ giúp độc giả tiện đối chiếu.
Chàng sinh viên dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với cách sáng tạo mới ảnh 1Tranh minh họa trong cuốn sách của Bùi Tiến Tuấn.

“Truyện Kiều” (Nguyễn Du) là thi phẩm được xem là “quốc hồn, quốc túy” của văn học Việt Nam và đã từng được dịch sang nhiều thứ tiếng. Mới đây, kiệt tác này lại được dịch sang tiếng Anh bởi Nguyễn Bình, chàng sinh viên 20 tuổi hiện đang học tập tại Mỹ.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành “Truyện Kiều” song ngữ với bản dịch của Nguyễn Bình cùng bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ giúp độc giả tiện đối chiếu.

Tranh bìa do họa sỹ Lê Thiết Cương vẽ, ngoài ra tác phẩm còn có 15 tranh phụ bản của các họa sỹ Lê Thiết Cương, Lê Trí Dũng, Bùi Mai Hiên, Bùi Tiến Tuấn, mang đến những cảm nhận hội họa mới về Kiều.

Nguyễn Bình bắt tay vào dịch “Truyện Kiều” khi chưa đầy 19 tuổi và đang học ngành Thiên văn học: “Năm 2019, có một lần tôi trở về từ đài quan sát thiên văn, men theo con đường mòn gồ ghề xuống núi trong đêm lạnh lẽo, mặt trăng lấp ló sau hàng cây đang bắt đầu trụi lá khiến tôi nhớ nhà. Bỗng nhiên tôi nghĩ đến hai câu thơ tả cảnh bên đường khi Kiều rời xa nhà lần đầu tiên: Dặm khuya nhất lạnh, mù khơi/Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.

Từ sự đồng cảm ấy, Bình bắt đầu dịch “Truyện Kiều” để những người chưa biết nhiều về tiếng Việt hay văn hóa Việt Nam có thêm cơ hội để khám phá một thi phẩm văn học thấm đẫm bản sắc, tâm hồn Việt.

Chàng sinh viên dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với cách sáng tạo mới ảnh 2Cuốn sách song ngữ gồm bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình và bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ. (Ảnh: NXB)

Lâu nay, dịch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh vốn không đơn giản vì ngôn ngữ tiếng Việt giàu thanh điệu còn tiếng Anh thì không; chuyển ngữ “Truyện Kiều” càng là thách thức lớn, bởi giữ được tinh thần thể thơ lục bát trong bản dịch tiếng Anh là điều không tưởng.

Trong khi đó, Nguyễn Bình lại muốn thể hiện “những khía cạnh Việt Nam nhất về mặt ngôn ngữ của Kiều” nên Bình quyết định chuyển thể thơ lục bát của Việt Nam thành thể thơ “anh hùng song cú” (heroic couplet), lấy cảm hứng từ bản dịch sử thi Aeneid của John Dryden, bản dịch các sử thi của Homer và Alexander Pope...

[Thưởng thức 'Truyện Kiều' của Nguyễn Du theo lối ngâm truyền thống]

“Thể thơ này khá phổ biến ở châu Âu đầu thế kỷ 18, đủ gần với thời điểm sáng tác 'Truyện Kiều' để có thể mượn phong cách thơ mà nhuộm bản dịch của mình bằng đúng màu sắc trung đại của bản gốc,” Nguyễn Bình chia sẻ.

Chàng sinh viên dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với cách sáng tạo mới ảnh 3Tranh minh họa của Lê Thiết Cương.

Để làm điều này, Bình xây dựng một hệ thống gồm 290 ghi chú tỉ mỉ với 51 trang, thể hiện sự nghiên cứu công phu của người dịch. Có lẽ đó là một trong các cơ sở để sau khi tiếp cận bản dịch, nhà thơ, giáo sư văn chương người Mỹ Bruce Weigl đã nhận xét: “Đây là bản dịch mang tính học thuật quan trọng nhất của tác phẩm này cho đến nay, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu ‘Truyện Kiều’.”

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng việc một người trẻ đang du học nước ngoài nhưng yêu di sản thi ca dân tộc và muốn chuyển ngữ Truyện Kiều để thế giới biết thêm về một tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng của Việt Nam là điều rất đáng trân trọng. Ông khẳng định Bình đã có hướng tiếp cận mới, chưa thấy ở các bản dịch “Truyện Kiều” bằng tiếng Anh trước đây.

Chàng sinh viên dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với cách sáng tạo mới ảnh 4Nàng Kiều trong mô tả của họa sỹ Bùi Mai Hiên.

Ông cho hay bản dịch này sẽ được gửi tới một số nhà xuất bản và các tổ chức văn chương quan trọng trên thế giới để họ có thể tiếp cận thi phẩm “Truyện Kiều” bởi Hội Nhà văn Việt Nam xác định việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới là chiến lược vô cùng quan trọng. Đây là quan điểm ông trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.

“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng để được thực hiện mạnh mẽ chiến lược dịch và quảng bá văn học Việt Nam. Khi đó, cùng với ‘Truyện Kiều’, những tác phẩm văn học nổi tiếng khác của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều... cũng sẽ được chuyển ngữ để giới thiệu một cách cụ thể với thế giới về di sản văn học cổ điển của Việt Nam,” Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục