Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây có bài phân tích của tác giả Peter Fabricius, tư vấn viên Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh Nam Phi, về thực trạng đầu tư nước ngoài của các nước tham gia chương trình “Gắn kết với châu Phi” do Đức khởi xướng.
Theo tác giả bài viết, các đối tác phát triển của châu Phi vẫn đang vật lộn để xác định và điều tiết mối quan hệ của họ với “Lục địa Đen.”
Điều này thể hiện rõ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 28-29/6 ở Osaka (Nhật Bản).
G20 bị cáo buộc phân biệt đối xử với châu Phi về vấn đề phát triển, do đó hội nghị đã bỏ qua châu lục này như một bên tham gia bình đẳng trong các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, tương lai của việc làm, hệ thống thương mại toàn cầu và nhiều vấn đề lớn khác thuộc phạm vi giải quyết của G20.
Giáo sư Cobus van Staden, thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi (SAIIA), đánh giá: “Nếu ai đó thiếu chỗ ngồi trên bàn đàm phán, có lẽ vấn đề đã được định trước.”
Thực tế là châu Phi có đại diện thông qua tư cách thành viên thường trực của Nam Phi tại G20 và sự tham gia thường xuyên của Liên minh châu Phi (AU), cũng như việc tổ chức Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (NEPAD) đồng chủ trì các hội nghị thượng đỉnh.
Rõ ràng, các nước phát triển chiếm ưu thế tại G20, nhưng châu Phi không phải là khu vực duy nhất không được hiện diện đúng mức tại hội nghị này.
Mặc dù Nam Phi đã cố gắng thúc đẩy vai trò của châu Phi tại G20, nhưng thành công tương đối hạn chế.
Đáng lẽ Nam Phi nên theo đuổi hành động cứng rắn hơn đối với hoạt động trốn thuế trắng trợn của các công ty đa quốc gia vốn gây thiệt hại nghiêm trọng cho lục địa này.
Ngoài ra, Nam Phi và nhiều nước khác cũng thất bại trong nỗ lực bảo đảm một hệ thống thương mại toàn cầu tự do và công bằng.
G20 đã cố gắng “bình thường hóa” mối quan hệ với châu Phi bằng cách mời nhiều nước châu Phi tham gia khuôn khổ đầy hấp dẫn này, dù thực tế mối quan hệ chẳng bình thường chút nào theo như đánh giá của giáo sư Van Staden.
[CFTA - động lực giúp kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh mẽ]
Thay vào đó, G20 đã cố gắng đẩy mối quan hệ với châu Phi ra khỏi mô típ "bên cho - người nhận" truyền thống.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017, nước chủ nhà Đức đã đưa ra chương trình “Gắn kết với châu Phi,” cho thấy “nhịp điệu cũ” và có phần khó chịu trong quan hệ phát triển với châu Phi.
Thay vì đổ tiền vào các dự án nâng cao xã hội theo cách truyền thống, sáng kiến của Đức đề nghị từng nước châu Phi riêng rẽ tham gia gắn kết với mỗi nước thuộc G20 nhằm nhận được hỗ trợ cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, chủ yếu là đầu tư tư nhân.
Theo đó, những gì các nước châu Phi đạt được theo sáng kiến của Đức sẽ không phải đo lường bằng đồng USD mà là mức độ tăng đầu tư, trong đó có cơ sở hạ tầng, để kích thích phát triển thông qua hoạt động kinh tế bình thường, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.
Vì vậy, trong mối quan hệ với các đối tác, các nước châu Phi đã tập trung thực hiện nhiều cải cách như giúp quá trình khởi nghiệp dễ dàng hơn, cải thiện khả năng giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thời gian xuất nhập khẩu và tăng cường khả năng thanh toán.
Hai năm sau sáng kiến của Đức, bức tranh đang có sự pha trộn ít nhiều. Đến nay, mới chỉ có 12 trong số 54 quốc gia châu Phi tham gia chương trình gắn kết với các nước G20 - bao gồm Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Guinea, Morocco, Rwanda, Senegal, Tunisia và Togo.
Danh sách trên hết sức thú vị, với sự hiện diện tích cực của Tây Phi, sau đó là Bắc Phi và ở mức độ thấp hơn là Đông Phi.
Khu vực miền Trung và miền Nam châu Phi chưa có đại diện trong danh sách. Ngay cả Nam Phi, thành viên G20 và đồng Chủ tịch của Nhóm thường trực về phát triển và Nhóm Tư vấn châu Phi với nhiệm vụ điều hành chương trình “Gắn kết với châu Phi” cũng không xuất hiện trong danh sách trên.
Có lẽ Đất nước Cầu vồng cảm nhận chỉ đủ khả năng để quản lý môi trường đầu tư của chính mình.
Ngoài ra, 12 quốc gia tham gia chương trình “Gắn kết với châu Phi” đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ, bất chấp một số tín hiệu cảnh báo.
Trong báo cáo mới nhất về “Gắn kết với châu Phi” được công bố tại Hội nghị Osaka vừa qua, G20 đánh giá các nước châu Phi tham gia chương trình này đã “vượt trội đáng kể so với các dự báo tăng trưởng toàn cầu và khu vực.”
Tất cả 12 nước tham gia “Gắn kết với châu Phi” đã cải thiện điểm số về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, bao quát toàn bộ đặc điểm của nhóm 10 nước có tốc độ cải cách hàng đầu trên thế giới.
Ngoại trừ hai nước, 10 nước còn lại tham gia “Gắn kết với châu Phi” đã cải thiện thứ hạng trong danh sách đánh giá 190 nước theo hoạt động kinh doanh.
Rwanda thăng hạn từ 56 năm 2017 lên 29 năm 2018, xếp trên cả Pháp, Ba Lan và Bỉ. Các nước khác cũng có sự cải thiện thứ bậc xếp hạng như Côte d'Ivoire tăng 20 bậc; Togo tăng 17 bậc và Guinea tăng 11 bậc.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng nỗ lực của các nước này là tích cực nhưng chưa chuyển thành nguồn lực đầu tư lớn hơn.
Năm 2018, đầu tư nước ngoài vào 7 nước thuộc chương trình “Gắn kết với châu Phi” gồm Burkina Faso, Côte d'Ivoire, Ethiopia, Guinea, Morocco, Rwanda và Togo đã tăng so với năm 2017.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, đầu tư đã giảm từ 54,4 tỷ USD năm 2017 xuống còn 30,7 tỷ USD năm 2018.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do Ai Cập và Ghana thu hút 38 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng năm 2017, khiến các tiêu chí so sánh không đồng nhất, dẫn đến sự sụt giảm được báo trước ở hai nước này trong năm 2018, trong đó Ai Cập thu hút 12,4 tỷ USD và Ghana đạt 840 triệu USD.
Báo cáo trên cũng cảnh báo cải cách chưa thể ngay lập tức chuyển thành đầu tư trực tiếp nước ngoài mang tính bền vững là lời nhắc nhở rằng ngoài ổn định kinh tế vĩ mô và cam kết cải cách môi trường kinh doanh thân thiện, các yếu tố khác cũng đóng vai trò thúc đẩy đầu tư, trong đó giáo dục là yếu tố cần thiết để xây dựng nguồn nhân lực.
Trung tâm chuyển đổi kinh tế châu Phi (ACET) cho rằng dòng vốn đầu tư tương đối chậm có thể tác động tiêu cực tới chương trình “Gắn kết với châu Phi” của G20.
Theo ACET, nguyên nhân chính của kết quả chưa được như kỳ vọng là các nước tham gia chương trình “Gắn kết với châu Phi” chưa thực sự hiểu mô hình phát triển “gián tiếp.”
Mặc dù có những gói hỗ trợ phát triển khác được thực hiện theo mô hình phát triển truyền thống, trong đó các nước đang phát triển cam kết thay đổi chính sách để có được những lợi ích theo thỏa thuận, chương trình “Gắn kết với châu Phi” vẫn không đảm bảo được đầu tư đối ứng khi phần lớn các nền kinh tế G20 không cam kết hỗ trợ trực tiếp.
Nhiều nước kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ G20 vào các nước tham gia chương trình sẽ tăng đáng kể.
ACET nhận xét một phần của tình trạng này xuất phát từ việc chính phủ các nền kinh tế thành viên G20 không khuyến khích các công ty của họ đầu tư vào các nước tham gia chương trình “Gắn kết với châu Phi.”/.