Chặng đường dài cho ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc

Hầu hết người Trung Quốc ủng hộ đất nước tiếp tục đầu tư vào công nghệ vũ trụ, nhưng cũng có một bộ phận nhỏ vẫn tiếp tục rao giảng chủ nghĩa dân túy, cho rằng khoản đầu tư này là “lãng phí.”
Chặng đường dài cho ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc ảnh 1Tàu thăm dò Hằng Nga 5 hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo globaltimes.cn, ngày 24/11, tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 5 đã được phóng thành công vào quỹ đạo với nhiệm vụ dự kiến là thu thập và gửi về các mẫu vật từ Mặt Trăng.

Sự kiện này đánh dấu bước đi đầu tiên của Trung Quốc trong nỗ lực thu thập mẫu vật từ một thiên thể ngoài Trái Đất.

Đây là một bước tiến quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Trong khoảng 20 ngày tới sẽ có rất nhiều “điều đầu tiên của Trung Quốc” đang chờ tàu Hằng Nga 5 đem lại. Một nhiệm vụ khó khăn và vinh quang.

Không gian vũ trụ là lĩnh vực mà loài người sẽ chú trọng nghiên cứu sâu trong tương lai. Nó phản ánh sự phát triển của khoa học và công nghệ. Trái Đất quá nhỏ và không cung cấp đủ tài nguyên, trong khi vũ trụ bao la chứa đựng những khả năng vô tận. Dưới góc độ lịch sử, loài người chỉ mới mở hé cánh cửa khoa học, và mọi thứ có thể chỉ mới bắt đầu.

Với tư cách là một cường quốc, xét từ góc độ lợi ích quốc gia, hạnh phúc của người dân Trung Quốc hay lợi ích chung của nhân loại, chúng ta có bổn phận cùng nhau mở ra một kỷ nguyên khoa học và công nghệ mới. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ là lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc.

[Trung Quốc: Tàu vũ trụ Hằng Nga 5 hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng]

Mỹ đã gửi các phi hành gia của họ lên Mặt Trăng cách đây 51 năm. Đây là một mốc tham chiếu để Trung Quốc đánh giá sự phát triển công nghệ vũ trụ của chính mình. Khoảng cách trong lĩnh vực này không thể được nhìn nhận đơn giản như vậy, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là khoảng cách này rất lớn.

Khả năng khám phá vũ trụ phản ánh tiềm lực khoa học và công nghệ của một quốc gia. Hãy nhìn vào kính viễn vọng không gian Hubble đang hoạt động trên quỹ đạo và tàu thăm dò không gian Voyager 1 đang khám phá những hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời để thấy rõ khoảng cách này. Rõ ràng Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước.

Lực đẩy tên lửa quyết định khả năng hiện thực hóa giấc mơ khám phá không gian của con người. Tên lửa lớn nhất của Trung Quốc là Trường Chinh 5 có đường kính 5 mét. Lực đẩy của nó có thể giúp Hằng Nga 5 hoàn thành sứ mệnh đem mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất.

Tuy nhiên, để đưa các phi hành gia của mình lên Mặt Trăng, Trung Quốc cần tên lửa có đường kính lớn hơn và lực đẩy mạnh hơn. Cả Mỹ và Liên Xô trước đây đều có tên lửa với đường kính hơn 10 mét.

Trung Quốc cần phát triển các tên lửa hạng nặng và sử dụng chúng để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản cho hoạt động thám hiểm ngoài không gian.

Nếu không thực hiện được bước đột phá đó, chúng ta sẽ không thể đứng trên tầm cao của khoa học và công nghệ nhân loại trong tương lai.

Đây là vấn đề chiến lược lâu dài, giống như việc Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp thông tin trong khi lại chưa tự chủ được về công nghệ bán dẫn.

Chặng đường dài cho ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc ảnh 2Tên lửa đẩy Trường Chinh 5 mang theo tàu vũ trụ khám phá sao Hỏa Thiên Vấn-1 rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương, Hải Nam, Trung Quốc ngày 23/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hầu hết người Trung Quốc ủng hộ đất nước tiếp tục đầu tư vào công nghệ vũ trụ, nhưng cũng có một bộ phận nhỏ vẫn tiếp tục rao giảng chủ nghĩa dân túy, cho rằng khoản đầu tư này là “lãng phí” và nên được sử dụng để cải thiện sinh kế cho người dân.

Họ thậm chí còn ngụy tạo một cảnh tượng giật gân khi so sánh hoàn cảnh của một số nhóm người có thu nhập thấp với thành tích khám phá không gian để đánh vào tâm lý của người dân. Phải nói đây là một hành vi thiển cận và phiến diện trước những vấn đề hệ trọng của chiến lược phát triển đất nước.

Trung Quốc là nước đi sau cả về kinh tế và khoa học công nghệ. Bắt kịp từng bước vững chắc là cách duy nhất đối với Trung Quốc.

Không giống như các quốc gia khác có thể dập khuôn làm theo, Trung Quốc phải đề ra một chiến lược vĩ mô và có tầm nhìn dài hạn do diện tích quá lớn và sự bất ổn mà Trung Quốc phải đối mặt trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay. Phát triển quốc gia ổn định có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung Quốc.

Có thể thấy những thập kỷ tới sẽ không dễ dàng nhưng có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc đang phát triển. Trung Quốc sẽ tiếp tục đi lên và dần đạt được tiến bộ trong mọi lĩnh vực vì nước này không có lý do gì để tạm nghỉ ngơi và tự mãn về những thành tựu đã đạt được.

Cần lưu ý mối liên hệ giữa 2 bản tin được đăng trong các ngày 23 và 24/11. Một bản tin cho biết 9 quận nghèo cuối cùng của tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc đã chính thức được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Điều này đã mở ra một kỷ nguyên mới khi Trung Quốc đã xóa đói giảm nghèo ở toàn bộ 832 quận trên cả nước. Bản tin thứ hai đưa tin Trung Quốc phóng thành công tàu thăm dò Hằng Nga 5 và bắt đầu hành trình thu thập mẫu vật từ Mặt Trăng.

Đây là sự trùng hợp, nhưng điều đó cho thấy sự phát triển toàn diện và tiến bộ của Trung Quốc từ các góc độ khác nhau. Sứ mệnh thăm dò của tàu Hằng Nga 5 không phải là hão huyền.

Cùng với cuộc chiến chống đói nghèo, Trung Quốc đã cho thấy thành tích ở các lĩnh vực khác nhau và sự ưu việt của của mô hình phát triển lấy con người làm trung tâm.

Đây không còn là thời kỳ mà việc khám phá không gian vũ trụ được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ý thức hệ. Thay vào đó, con người quan tâm đến ý nghĩa khoa học của việc khám phá vũ trụ.

Trung Quốc không quan tâm đến khía cạnh chính trị của khoa học vũ trụ. Với Trung Quốc, chỉ có lợi ích quốc gia ở hiện tại và tương lai, những nguồn lực mới đem lại sự phồn thịnh cho người dân Trung Quốc cũng như trách nhiệm đối với lợi ích chung của nhân loại trong việc khám phá vũ trụ bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất.

Trung Quốc rất giỏi ở khả năng điều phối các lợi ích và sứ mệnh khác nhau. Người ta hy vọng ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển, song hành với sự phát triển ở các lĩnh vực khác và trở thành một động lực đưa Trung Quốc tiến bước vững chắc trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục